Chiều 16-5, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân tại TP.
Chuẩn bị đủ nơi tiêm
Theo kế hoạch, đối tượng tiêm gồm: Người 50 tuổi trở lên (dự kiến số lượng hơn 1,8 triệu người); người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid- 19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc các khu công nghiệp).
Hình thức tiêm sẽ được tổ chức tại 3 nơi gồm tại bệnh viện; cơ sở tiêm chủng đối với người lao động đang làm việc hoặc người đang điều trị nội trú tại đơn vị (kể cả người có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác đang điều trị); tại điểm tiêm lưu động và tại nhà đối với các trường hợp di chuyển khó khăn hoặc không thể di chuyển đến các điểm tiêm. Thời gian tiêm dự kiến bắt đầu ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vắc-xin.
Về danh sách đối tượng để tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4), đối với người bệnh đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ do đơn vị lập danh sách và tổ chức tiêm nếu đủ điều kiện hoặc hướng dẫn người bệnh về địa phương đăng ký tiêm.
Đối với cán bộ, nhân viên y tế... thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 sẽ do đơn vị lập danh sách và tổ chức tiêm. Nếu không đủ điều kiện tiêm thì chủ động phối hợp với cơ sở tiêm chủng khác hoặc địa phương nơi trú đóng để tổ chức tiêm cho người lao động đang làm việc tại đơn vị.
Đối với người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng sẽ do cơ sở xã hội, cai nghiện ma túy quản lý điều trị người nhiễm HIV lập danh sách người bệnh đủ điều kiện tiêm gửi về cơ quan quản lý trực tiếp để phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm cho người bệnh.
Đối với công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp sẽ do cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động rà soát, lập danh sách người lao động đủ điều kiện tiêm gửi về cơ quan quản lý trực tiếp để phối hợp chính quyền địa phương nơi đơn vị trú đóng tổ chức tiêm.
Sau khi hoàn tất phủ vắc-xin mũi 3, nay TP HCM có kế hoạch tiếp tục tiêm mũi 4 cho người dânẢnh: TẤN THẠNH
Triển khai xác nhận "Hộ chiếu vắc-xin"
Loại vắc-xin được sử dụng trong đợt tiêm này là mRNA (vắc-xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc-xin do AstraZeneca sản xuất, vắc-xin cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Khoảng cách ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Đối với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc Covid-19.
Theo kế hoạch, UBND phường, xã, thị trấn lập danh sách người dân thuộc các nhóm đối tượng nêu trên để tổ chức điểm tiêm tại địa phương. Lưu ý, về cơ bản danh sách đã có trên nền tảng Quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 ngành y tế cung cấp biểu mẫu lập danh sách cho các đơn vị. Đồng thời tiếp tục thực hiện quy trình "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và triển khai xác nhận "Hộ chiếu vắc-xin".
UBND TP HCM yêu cầu tổ chức các hình thức tiêm chủng thuận lợi cho người dân và bảo đảm chất lượng, an toàn tiêm chủng, an toàn phòng chống dịch. Ngoài ra, tổ chức nhiều hình thức tiêm chủng đáp ứng nhu cầu người dân, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và đơn vị tiêm chủng như điểm tiêm tại cơ sở y tế, điểm tiêm/ xe tiêm lưu động trong cộng đồng, đội tiêm tại nhà cho người không thể đến điểm tiêm.
Gỡ vướng thanh toán BHYT
Ngày 16-5, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam họp bàn việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo hợp đồng đã ký với cơ sở khám chữa bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết cuộc họp thống nhất BHXH Việt Nam sẽ có văn bản chỉ đạo BHXH các cấp tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và hợp đồng đã ký. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế chuyển đổi từ hình thức mượn, đặt sang các hình thức được quy định của Chính phủ (cho, tặng, thuê, xác lập quyền sở hữu). Đồng thời xác định lộ trình bắt buộc phải hoàn thành việc chuyển đổi hình thức nêu trên. "Chúng tôi cũng thống nhất sẽ tiếp tục cho phép thanh toán BHYT với máy đặt, máy mượn cho đến khi hết hợp đồng giữa hai bên" - ông Sơn nói.