Xã hội

TP.HCM nghĩa tình: Vì tuyến đầu Tổ quốc

Tóm tắt:
  • TP.HCM tích cực vận động vì tuyến đầu Tổ quốc, thành lập quỹ từ năm 2009.
  • Quỹ đổi tên và mở rộng hỗ trợ biển đảo, đạt hơn 552 tỷ đồng doanh thu đến 2024.
  • Các hoạt động bao gồm thăm chiến sĩ, tặng quà, xây dựng công trình, và hỗ trợ quân dân biên giới.
  • Đoàn TP.HCM đã thăm Trường Sa, Tây Nam, nhà giàn DK1, gửi tặng nhiều nguồn lực ý nghĩa.
  • Phong trào được xem là một trong 50 sự kiện nổi bật của TP.HCM nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước.

Từ phong trào tháng 4.1979

Ngày 19.4.2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 557 thành lập Quỹ Vì Trường Sa thân yêu ở cấp T.Ư với quy mô toàn quốc. Trước đó 2 năm, vào ngày 17.4.2009, TP.HCM đã thành lập Ban vận động Quỹ Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc, do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM chủ trì.

Sự ra đời của quỹ này cũng mang tính kế thừa, tiếp nối ý nghĩa của phong trào Vì tuyến đầu Tổ quốc từng được phát động vào cuối tháng 4.1979 tại công viên Tao Đàn, trong bối cảnh đất nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979). Rồi từ những năm 2006, 2007, sau một số chuyến thăm Trường Sa của các đoàn đại biểu TP.HCM, nhận thấy đời sống của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, lãnh đạo TP.HCM đã đề nghị Ủy ban MTTQ VN TP.HCM thành lập quỹ.

 - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (thứ tư từ phải sang) và Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang (thứ tư từ trái sang, hiện là Trưởng ban Chính sách, Chiến lược T.Ư) tham dự buổi trao ủng hộ của cán bộ, công chức cho Quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc năm 2020

Ảnh: T.N

Đây được xem là một trong những sáng kiến "hậu phương quân đội" đầu tiên ở cấp địa phương để kêu gọi nguồn lực xã hội cùng hướng về Trường Sa và các lực lượng làm nhiệm vụ ngoài biển.

Đến năm 2014, quỹ được đổi tên thành Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc nhằm mở rộng sự hỗ trợ đến cả nhà giàn và các lực lượng biên cương khắp cả nước. Kể từ khi thành lập cho tới năm 2019, quỹ đã vận động được hơn 334 tỉ đồng, góp phần xây dựng hàng loạt công trình dân sinh và chung tay cải thiện đời sống cho quân dân vùng biển đảo. Năm 2024, dịp kỷ niệm 15 năm thành lập quỹ, con số ủng hộ đã tăng lên 515 tỉ đồng và đến nay, quỹ đã vận động, chăm lo được hơn 552 tỉ đồng.

Tấm lòng của hậu phương

Ủy ban MTTQ VN TP.HCM vận động quỹ với nhiều hình thức, từ kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đóng góp trực tiếp; tổ chức hội thu ở trường học, khu dân cư cho đến phát động chương trình nghệ thuật hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc; đi bộ gây quỹ; vận động cán bộ, công chức ủng hộ một ngày lương… Để rồi hơn 15 năm qua, từ nguồn lực vận động được, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi biên giới, biển đảo.

Điển hình là hằng năm, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phối hợp Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà động viên chiến sĩ nghĩa vụ và các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới. TP.HCM cũng duy trì tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân với nhiều hoạt động từ giao lưu văn hóa, vui chơi cho đến các chính sách xây nhà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, trồng cây xanh, trao quà, học bổng và phương tiện sinh kế cho người dân.

Tại khu vực biên giới, TP.HCM xây dựng mô hình "Mỗi cơ sở Mặt trận gắn với một địa bàn biên giới". Qua đó, thường xuyên tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà, học bổng, thẻ BHYT, xây nhà, công trình nước sạch vùng biên… Thống kê cho thấy đã có hơn 300 đoàn đại biểu TP.HCM thăm, làm việc và hỗ trợ tại các tỉnh biên giới trên toàn quốc.

Đến mỗi vùng biên giới, hải đảo, chính quyền TP.HCM chú trọng hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ thông qua nhiều công trình thiết thực phục vụ huấn luyện, sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu, điển hình là phương tiện, trang thiết bị, hỗ trợ ngư dân, nhà đại đoàn kết, 19 công trình "Nước ngọt vùng biên", 105 "Mái ấm chiến sĩ - người nghèo nơi biên giới"; hệ thống máy lọc nước, nhà văn hóa đa năng, nhà truyền thống, cột cờ chủ quyền, đèn năng lượng mặt trời…

Đặc biệt, hằng năm, TP.HCM tổ chức nhiều đoàn đại biểu đi thăm các đảo thuộc Trường Sa, khu vực Tây Nam và nhà giàn DK1. Tính đến nay, TP.HCM đã tổ chức 15 đoàn với hơn 1.500 đại biểu thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 (từ năm 2007), và 7 đoàn với gần 2.000 đại biểu đến khu vực Tây Nam (từ năm 2016).

Trong các chuyến công tác, đoàn đã gửi tặng nhiều phần quà ý nghĩa, từ công trình phục vụ huấn luyện - sinh hoạt, đến mái che, vườn rau, vật dụng thiết yếu, thuốc men, bồn chứa nước, đèn năng lượng mặt trời… cũng như hỗ trợ kinh phí cho lực lượng đang trú đóng tại đảo, nhà giàn, các hộ dân sinh sống trên đảo.

Những chuyến hải trình đặc biệt

Trong các chuyến hải trình thường niên đến Trường Sa, vùng biển Tây Nam và nhà giàn DK1, Báo Thanh Niên luôn vinh dự được Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tin tưởng, đề nghị cử phóng viên đồng hành cùng đoàn đại biểu để thực hiện công tác tuyên truyền.

 - Ảnh 2.

Bà Tô Thị Bích Châu động viên chiến sĩ đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn trong chuyến thăm năm 2022

Bản thân người viết từng có cơ hội góp mặt trong đoàn đại biểu TP.HCM thăm Trường Sa năm 2022 và vùng biển đảo Tây Nam năm 2023. Loạt ký sự Hải trình Trường Sa được thực hiện sau chuyến đi đã được Ủy ban MTTQ VN TP.HCM trao giải đặc biệt trong khuôn khổ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc TP.HCM năm 2023.

Là phóng viên, niềm vinh dự và những cảm xúc khi được đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió được thể hiện qua câu chữ, hình ảnh. Là phát thanh viên, đại biểu kể lại hành trình qua giọng nói. Là thầy giáo, đại biểu truyền cảm hứng thông qua bài giảng. Là tín đồ tôn giáo, đại biểu chia sẻ trong các buổi sinh hoạt cộng đồng với giáo dân, phật tử… Tựu trung lại, các đại biểu được đến miền hải đảo thân yêu của Tổ quốc đều tự nhủ sẽ lan tỏa tinh thần yêu nước, làm việc và cống hiến trong cuộc sống thường nhật của mình.

Còn nhớ chuyến đi thăm Trường Sa năm 2022, khi ấy, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM (nay là Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN), chia sẻ rằng đoàn chỉ có hơn 100 người, nhưng là đại diện cho 10 triệu tấm lòng của nhân dân TP.HCM. Sau mỗi chuyến đi, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM sẽ về báo cáo với nhân dân, thực hiện nhiều giải pháp để vận động người dân hướng về quê hương, hướng về tuyến đầu của Tổ quốc để hỗ trợ các cán bộ, chiến sĩ. Đây chính là công tác "hậu phương quân đội", tiếp thêm sức mạnh, tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ vững lòng nơi đầu sóng ngọn gió.

Còn trong chuyến đi biển đảo Tây Nam năm 2023, bà Trần Kim Yến (khi đó là Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM) cho biết chuyến đi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho chính bà và các thành viên, không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, sự hùng vĩ của đất nước, mà còn vì các đại biểu đã rất xúc động khi thấy sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đang làm nhiệm vụ.

Bà Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng ban Tuyên giáo - Vận động xã hội (trước đây là Trưởng ban Phong trào), Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho hay đối với bà, Quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc không chỉ là một tên gọi, một tổ chức quỹ, mà còn là lời hiệu triệu từ ý Đảng, lòng dân, của một dân tộc đã lớn lên từ lòng yêu nước và sức mạnh tự cường.

Quỹ cũng không chỉ là nguồn lực vật chất mà còn cho thấy nghĩa tình, trách nhiệm và tình cảm sâu sắc của người dân TP.HCM đối với những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

"Tôi dành một góc trang trọng trong phòng làm việc để lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng như quả bàng vuông khô, con ốc biển, huy hiệu chiến sĩ Trường Sa, cánh san hô, dấu mộc từ các điểm đảo và nhà giàn… Để mỗi lần nhìn thấy, tôi được nhắc nhớ về trách nhiệm, lòng yêu nước và niềm tin vào công việc đang làm. Những cán bộ Mặt trận như chúng tôi luôn tâm niệm sẽ ngày một tham mưu tổ chức những hoạt động thiết thực hướng về phên dậu, tiền tiêu của Tổ quốc", bà Trâm cho biết.

Với những đóng góp to lớn, phong trào "Vì tuyến đầu Tổ quốc" và "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" được đề xuất chọn là một trong 50 sự kiện nổi bật của TP.HCM nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Có cần thiết uống sữa?

Chế độ ăn của người Việt chỉ đáp ứng 50% nhu cầu canxi hàng ngày cơ thể, nên bổ sung bằng sữa có nhiều canxi trừ khi cơ địa dị ứng với sữa bò hay không dung nạp lactose.