PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nói như trên, cho biết sữa và chế phẩm sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thành phần đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển, khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật. "Mọi lứa tuổi đều khuyến nghị bổ sung sữa và chế phẩm từ sữa, kể cả người trưởng thành", bác sĩ Hưng nói.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy khẩu phần canxi của người Việt Nam nhiều thập kỷ qua chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cơ thể. Tỷ số canxi/phospho của khẩu phần thấp (<0,8) làm giảm hấp thu vào cơ thể và ảnh hưởng tới chuyển hóa canxi. Trong khi đó, sữa rất giàu canxi và là nguồn canxi có giá trị sinh học cao. Vì vậy, bổ sung sữa sẽ cải thiện tình trạng cơ thể thiếu hụt canxi, theo bác sĩ Hưng.
Tuy nhiên, cũng không bắt buộc phải uống sữa nếu không có điều kiện. Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI), cho rằng có thể bổ sung canxi bằng đường khác ngoài sữa, như ăn uống thêm nhiều món có canxi. Ngoài ra, mỗi lứa tuổi hoặc nhóm đối tượng cần thiết khuyến nghị sử dụng sữa phù hợp, bởi không phải ai cũng đáp ứng các tiêu chí dinh dưỡng như nhau.
Viện Dinh dưỡng khuyến nghị nên bổ sung 3 loại thực phẩm gồm sữa, sữa chua và phô mai vào khẩu phần ăn hàng ngày. Kiểm nghiệm cho thấy trong 100 g sữa tươi cung cấp 120 mg canxi, gấp 2,4 lần mức canxi trong thịt (50 mg) song thua cua đồng (5.040 mg), cá dầu (527 mg), tôm tép nhỏ (910 mg) nếu ăn hết cả vỏ, mai, yếm, xương. Như vậy, nếu không uống sữa hàng ngày, bạn có thể bổ sung canxi bằng cách ăn cua, cá, tôm...
Sữa chua là chế phẩm từ sữa nên có đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng của sữa. Trong sữa chua, đường lactose được lên men chuyển thành acid lactic, giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng dễ dàng hơn, thích hợp cho người không dung nạp đường lactose. Sữa chua còn cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng.
Phô mai chứa lượng đường lactose rất ít, có thể sử dụng cho người không dung nạp đường lactose. Ngoài ra, chất đạm trong phô mai được thủy phân một phần nên cơ thể hấp thu dễ dàng hơn. Đặc biệt, hàm lượng canxi trong phô mai cao gấp 3-6 lần sữa và sữa chua. Phô mai không làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa đường máu, mỡ máu, ngược lại giúp cải thiện tình trạng mất xương của phụ nữ sau mãn kinh, ngăn ngừa loãng xương và gãy xương.

Ảnh minh họa: Pexels
Viện Dinh dưỡng Quốc gia hướng dẫn bổ sung canxi từ sữa hoặc thực phẩm tương đương, theo nhu cầu sử dụng với từng nhóm. Công thức tính là một đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100 mg canxi, tương đương 1 miếng phô mai trọng lượng 15 g hoặc 1 hộp sữa chua 100 g hay 1 cốc sữa dạng lỏng 100 ml. Sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng hoặc sữa bột pha có hàm lượng canxi là 100 mg trong 100 ml sữa.
Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho trẻ em:
- Trẻ 3-5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị, tương đương 15 g phô mai (1 miếng phô mai), 100 ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200 ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
- Trẻ 6-7 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4,5 đơn vị, tương đương 15 g phô mai (1 miếng phô mai), 100 ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 250 ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ).
- Trẻ 8-9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị, tương đương 30 g phô mai (2 miếng phô mai), 100 ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200 ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
- Trẻ 10-19 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 6 đơn vị, tương đương 30 g phô mai (2 miếng phô mai), 200 ml sữa chua (2 hộp sữa chua) và 200 ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Trẻ từ sơ sinh cho đến tròn 6 tháng tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn, sau đó ăn bổ sung hợp lý kết hợp bú mẹ đến hai tuổi hoặc lâu hơn.
Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người trưởng thành:
- Người 20-49 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 3 đơn vị, tương đương 15 g phô mai (1 miếng phô mai), 100 ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 100 ml sữa dạng lỏng (1 ly sữa nhỏ).
- Người 50-69 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 3,5 đơn vị, tương đương 15 g phô mai (1 miếng phô mai), 100 ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 150 ml sữa dạng lỏng (1,5 ly sữa nhỏ).
- Người trên 70 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị, tương đương 30 g phô mai (2 miếng phô mai), 100 ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 100 ml sữa dạng lỏng (1 ly sữa nhỏ).
Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho thai phụ, mẹ cho con bú:
- Phụ nữ có thai mỗi ngày nên sử dụng 6 đơn vị, tương đương 30 g phô mai (2 miếng phô mai), 200 ml sữa chua (2 hộp sữa chua) và 200 ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
- Bà mẹ cho con bú mỗi ngày nên sử dụng 6,5 đơn vị, tương đương 30 g phô mai (2 miếng phô mai), 200 ml sữa chua (2 hộp sữa chua) và 250 ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ).
Bác sĩ Hưng khuyên bạn không nên uống sữa nếu cơ địa dị ứng với sữa bò hoặc gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lactose, một chất có trong sữa, dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi và tiêu chảy. Đối với người không dung nạp lactose, có thể thay thế sữa bằng sữa không chứa lactose hoặc sản phẩm có nguồn gốc thực vật như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành.
Theo các chuyên gia, nguyên tắc chung lựa chọn sữa và chế phẩm sữa là xem kỹ nhãn mác về hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng chất đạm, canxi và chất béo, lượng đường bổ sung. Chọn sản phẩm phù hợp với lứa tuổi, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe. Nên chọn sữa và sữa chua ít đường hoặc không đường, sản phẩm đã cơ quan quản lý cấp phép.
Không nên ăn sữa chua vào lúc đói do sẽ bị cồn cào ruột, các vi khuẩn có ích trong sữa chua dễ bị chết bởi độ acid cao trong dạ dày làm giảm tác dụng của vi khuẩn có lợi. Sữa chua và sữa thanh trùng cần được bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Trẻ em trên 6 tháng tuổi có thể ăn phô mai trực tiếp hoặc cho vào bột, cháo. Trẻ lớn hơn 2 tuổi có thể ăn trực tiếp, ăn với bánh mì hoặc chế biến thành món như bánh sữa phô mai, súp nấm phô mai, đậu phụ nhồi thịt phô mai.