Xã hội

TP.HCM nghĩa tình: Đồng hành cùng bệnh nhân nghèo

Tóm tắt:
  • Bác sĩ Võ Đức Chiến giúp đỡ bệnh nhân khó khăn bằng nhiều chương trình hỗ trợ.
  • Mô hình này gồm viện phí, thực phẩm, chi phí sinh hoạt và các hoạt động tinh thần.
  • Các hoạt động gặp nhiều tấm lòng thiện nguyện và đóng góp từ cộng đồng.
  • Ông khởi xướng mô hình từ năm 2016 sau khi gặp các nhà hảo tâm.
  • Đến 3/2025, BV đã hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng cho bệnh nhân nghèo.
  • --

Một buổi sáng, tại phòng làm việc của bác sĩ (BS) Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, chúng tôi gặp cô bé rụt rè cầm tờ giấy chứng nhận hộ nghèo để xin duyệt gói hỗ trợ viện phí. BS Chiến duyệt cái rẹt, rồi ân cần hỏi: "Cháu có cần gì nữa không?". Cô bé thút thít: "Dạ. Ba cháu chạy xe ôm nuôi cả nhà. Giờ ba cháu nằm viện, cháu đi nuôi ba cũng không có tiền ăn". Cầm tay cô bé, BS Chiến ôn tồn bảo: "Đừng khóc. Để BV hỗ trợ thêm chi phí thiết yếu và cơm cho ba cháu và cháu"... Nhiều năm nay, chuyện như vậy không còn xa lạ với BS Chiến.

 - Ảnh 1.

BS Võ Đức Chiến đón nhận Huân chương Lao động hạng ba được trao cho BV Nguyễn Tri Phương nhờ thành tích xuất sắc trong công tác xã hội, nhân đạo

ẢNH: BV NTP CUNG CẤP

Làm theo lời cha dạy về y đức

Năm 2023, Hội Chữ thập đỏ BV Nguyễn Tri Phương đón nhận Huân chương Lao động hạng ba nhờ thành tích xuất sắc trong công tác xã hội, nhân đạo. Mô hình khép kín gồm hàng loạt chương trình hỗ trợ bệnh nhân (BN) khó khăn do BS Chiến khởi xướng và thực hiện là đóng góp quan trọng để nhà nước trao tặng huân chương danh giá này.

 - Ảnh 2.

Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương còn trực tiếp thăm khám bệnh cho bệnh nhân nặng có hoàn cảnh khó khăn

ẢNH: QUANG VIÊN

Ít có vị BS nào làm nhiều bài thơ nói về y đức như BS Chiến. Chính ông sáng tác bài viết đậm chất y đức dựa trên slogan "BV Nguyễn Tri Phương: Năng động - Thân thiện - Phát triển" như sau:

Bệnh tình dù có ra sao

Viện là nơi chốn gửi trao nụ cười

Năng xê dịch, năng chuyển dời

Động lòng thương cảm phận đời khổ đau

Thân yêu với mọi lời chào

Thiện tâm chia sẻ ngọt ngào đắng cay

Phát huy y đức từng ngày

Triển khai y lý, miệt mài y văn.

Khi hỏi ông "động lòng thương cảm phận đời khổ đau..." từ khi nào, vị BS này cho biết "ngay từ thời thơ ấu". Được biết, cha ông từng là một thầy thuốc đông y nổi tiếng về tài năng và y đức (lương y giỏi cấp quốc gia Võ Hữu Thuật). "Ba tôi luôn nói người bệnh là đang gặp cái eo mà có khi họ còn đeo cái khổ nữa. Bởi vậy, mình không chỉ giúp chữa bệnh mà còn sẻ chia khó khăn với người bệnh. Điều đó tôi khắc cốt ghi tâm", BS Chiến tâm tình.

Lúc chưa trở thành lãnh đạo BV, BS Chiến nhiều khi day dứt vì những BN lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn, không có tiền chữa bệnh. BS Chiến cho hay trong thực tế, có quá nhiều người bệnh hoàn cảnh khó khăn. Khi làm giám đốc, ông nghĩ ngay phải tìm cách gì đó để có thể giúp đỡ được nhiều BN khó khăn một cách thật nhân văn.

 - Ảnh 3.

BS Võ Đức Chiến ân cần thăm hỏi thân nhân của bệnh nhân khó khăn được BV Nguyễn Tri Phương hỗ trợ hoàn toàn viện phí

ẢNH: QUANG VIÊN

Cơ duyên đã đến. Năm 2016, trong dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc VN, BS Chiến gặp một một số nhà hảo tâm. "Họ hỏi tôi nhận nhiệm vụ giám đốc BV Nguyễn Tri Phương có gì trăn trở không, tôi nói điều tôi lo lắng nhất là làm sao có một khoản kinh phí để giúp đỡ những BN khó khăn khi nhập viện vì chi phí này hằng năm khá lớn. Họ hưởng ứng và lập nhóm thiện nguyện Từ Tâm nhằm hỗ trợ tôi thực hiện ý nguyện. Tôi mừng khôn tả", BS Chiến bồi hồi kể lại.

Nhóm thiện nguyện Từ Tâm là khởi đầu cho chuỗi hoạt động hỗ trợ viện phí cho BN có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương mà BS Chiến là người khởi xướng. Nay hoạt động này đã trở thành một mô hình khép kín với 7 hoạt động hỗ trợ khác nhau nhằm giúp đỡ BN khó khăn điều trị tại BV này.

Một thân nhân BN khó khăn tên là Phương Thảo, đang điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương, xúc động kể: "Nếu không có bác Chiến và BV giúp đỡ, cháu không biết lấy gì chữa bệnh cho cha mẹ". Được biết, chỉ cách đây nửa tháng, bố của Thảo cũng được BV Nguyễn Tri Phương hỗ trợ hàng chục triệu đồng để chữa bệnh. Nay đến lượt mẹ Thảo cũng nhập viện với tình trạng bệnh rất nặng, BV này một lần nữa giúp đỡ hoàn toàn viện phí.

Ở một phòng điều trị bệnh nặng khác, bà Phạm Thị Hồng đang nuôi người em trai đột quỵ, cũng nước mắt lưng tròng tâm sự: "Chú ấy không có vợ con, vừa mất việc là bị đột quỵ luôn. Từ khi vào viện đến nay chi phí hơn 30 triệu là nhờ BV Nguyễn Tri Phương giúp".

Không từ chối bất kỳ bệnh nhân nào

BS Chiến nói: "Để chữa bệnh có kết quả tốt thì phải chữa cả đời sống con người trong lúc họ nằm viện". Rồi ông giải thích, BN là một con người. Mỗi người có những hoàn cảnh, nỗi niềm riêng... nên từ lãnh đạo cho đến nhân viên y tế phải thấu hiểu để chia sẻ tâm tư và nhiều vấn đề khó khăn mà họ đang đối mặt.

 - Ảnh 4.

BS Chiến tại gian hàng tặng miễn phí cho bệnh nhân khó khăn sau khi xuất viện

ẢNH: QUANG VIÊN

Vì thế, mô hình hỗ trợ BN có hoàn cảnh khó khăn có các hạng mục gồm: hỗ trợ khẩn cấp tại cấp cứu nhập viện; hỗ trợ viện phí; suất ăn tình thương; phí sinh hoạt thiết yếu; gian hàng chia sẻ yêu thương; hoạt động nâng đỡ tinh thần; chuyến xe nghĩa tình.

Với gói hỗ trợ khẩn cấp, BS Chiến giải thích: "Trong nhiều tình huống, BN vào khoa cấp cứu mà không có tiền, không có thân nhân hoặc bất tỉnh. Lúc đó, chúng tôi kích hoạt tức khắc gói hỗ trợ 5 triệu đồng do Quỹ Tâm nguyện Việt hỗ trợ để họ tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời như chụp MRI, CT và những xét nghiệm cơ bản khác. Nếu từ chối, chuyển viện những trường hợp này thì cơ hội sống sót của họ ít dần. Tạo cơ chế như vậy để nhân viên y tế không được từ chối bất kỳ BN nào".

Mỗi hoạt động hỗ trợ BN khó khăn thường bắt đầu từ những thực tế mà người bệnh hoặc thân nhân của họ đang đối diện. Nó làm lay động trái tim của vị BS giàu lòng nhân ái này. Hỗ trợ viện phí, hay suất ăn tình thương sẽ giúp BN và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn yên tâm điều trị. Trong khi đó, hỗ trợ chi phí cho sinh hoạt thiết yếu với số tiền 1 triệu đồng cho một BN khó khăn đang nằm viện tuy không nhiều nhưng lại có ý nghĩa rất nhân văn.

Về hoạt động nâng đỡ tinh thần với những bữa cơm chay miễn phí định kỳ vào ngày rằm và mùng một hằng tháng trong ngôi chùa nằm ngay trong khuôn viên BV, BS Chiến chia sẻ: "Người bệnh và thân nhân của họ đến đây có thể tìm được sự bình yên, tiếp thêm năng lượng để vượt qua bệnh tật và bộn bề lo toan".

Còn gian hàng yêu thương, với những sản phẩm với giá chỉ từ 0 đồng đến 20.000 đồng, tất cả số tiền thu được đều góp vào giúp đỡ BN khó khăn. Gian hàng này là nơi tạo cơ hội cho nhân viên y tế và mọi người trong cộng đồng chia sẻ những gì có thể.

Ngay cả chuyến xe nghĩa tình miễn phí để tiễn những người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng, hoặc đưa người bệnh cùng thân nhân có hoàn cảnh khó khăn về gia đình đều nằm trong mô hình đậm nét đẹp nhân ái của tập thể cán bộ công nhân viên BV Nguyễn Tri Phương mà BS Chiến là người chủ trì thực hiện.

Nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã chung sức đồng hành cùng BV Nguyễn Tri Phương gồm: nhóm Từ Tâm, nhóm Chia sẻ - Sharing, nhóm Tâm Từ, Quỹ Tâm nguyện Việt, Quỹ Từ thiện Thành Ngọc, Quỹ Từ thiện Bông Sen, chương trình Dĩa cơm trên tường, nhóm Thịnh Phát; ông Yung Cam Meng, bà Nguyễn Thị Diệu Trang, ông Phan Thanh Phong; và các gia đình ông Đặng Bá Giai, bà Lê Thị Nở, bà Nguyễn Phước Hạnh... Đến tháng 3.2025, BV này đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho BN khó khăn với số tiền lên đến hơn 25 tỉ đồng.

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Cha mẹ tá hỏa nghe tiếng kèn phát ra theo nhịp thở của con

Bé trai 7 tuổi ở Đắk Nông vừa được các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cấp cứu thành công sau khi phát hiện một chiếc kèn nhựa mắc kẹt trong phế quản suốt hai tuần. Ca bệnh tiếp tục là lời cảnh báo đến phụ huynh về tai nạn hóc dị vật đường thở ở trẻ nhỏ – một tình huống có thể cướp đi mạng sống nếu chậm trễ xử trí.