6 giờ sáng chủ nhật, trong khuôn viên ngôi nhà nhỏ ở góc đường 4A Phước Thiện (TP.Thủ Đức, TP.HCM), ánh nắng buổi sớm xuyên qua khe cửa, rọi xuống những đôi bàn tay thoăn thoắt làm bếp để trao gửi phần cơm ngon đến bệnh nhân ung thư.
Ở góc bếp, chị Nguyễn Trinh, một người phụ nữ ngoài 40, cẩn thận vo gạo để nấu cơm. Chị luôn là người phụ trách nồi cơm, bởi theo chị "cơm ngon, dẻo thì bệnh nhân mới dễ ăn".
Ngay bên cạnh, chị Tôn Nữ Nam Phương, anh Phạm Tú cùng 2 bạn trẻ đang nhanh tay xào thịt. Tiếng dầu sôi lách tách, hương thơm của thịt kho tiêu lan tỏa khắp căn bếp, xen lẫn tiếng nói cười vui vẻ. Chị Phương vừa đảo thịt, vừa nhắc nhở "nhớ nêm nhạt một chút nhé, nhiều bệnh nhân phải kiêng muối đó".
Không khí rộn ràng nhưng không vội vã, hối hả bởi ở đây mỗi người đều đang "sống chậm hơn" để trao gửi tâm tình vào từng suất cơm đầy yêu thương.
Đây là một trong hàng trăm bếp thiện nguyện tại TP.HCM được lập nên để tiếp sức bệnh nhân.
TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).
Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.
Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.

Góc sân, nơi các thành viên chuẩn bị rau củ quả
ẢNH: LÊ CẦM
Góc sân, cô Cao Mộng Hằng (63 tuổi) cùng chị Tuyết và con gái đang cần mẫn rửa từng trái dưa, nhặt từng cọng rau. Nước chảy lách tách, đôi tay của cô thoăn thoắt thể hiện đặc trưng người làm bếp lâu năm. Cô cười hiền hậu, nói với cô gái trẻ bên cạnh: "Cháu nhớ nhặt kỹ nha, mình làm cho người bệnh ăn thì phải sạch sẽ, tươm tất."
Ba chồng cô Hằng (90 tuổi) ngồi cười nói: "Hôm nay đông vui quá hen, cố gắng nha các con, ông không giúp được gì, cho ông góp "chút thịt" cho bữa ăn bệnh nhân".
Ngày chủ nhật thường là khoảng thời gian dành cho các thành viên gia đình sum họp sau một tuần làm việc vất vả nhưng với gia đình cô Hằng thì không gian đó nhường lại cho "Bếp yêu thương". Bởi được chung sức làm thiện nguyện là niềm vui của cô và gia đình.
Khi kim đồng hồ nhích qua 10 giờ, nắng trở mình rực rỡ cũng là lúc các công đoạn nấu nướng gần như hoàn tất. Ai nấy đều tập trung, cẩn thận múc từng muỗng cơm, gắp từng miếng rau, xếp thức ăn ngay ngắn.

Những phần cơm nóng hổi được ra lò
ẢNH: ĐOÀN TRANG
Cùng nhau góp nhặt yêu thương giúp bệnh nhân ung thư
Không có một cái tên hào nhoáng, không có sự rình rang quảng bá hay kêu gọi, nhóm thiện nguyện với tên gọi thân thương "Bếp yêu thương" được thành lập trên Zalo chỉ với một mục đích duy nhất, mang đến bữa cơm nghĩa tình cho những người cần nó nhất.
Các thành viên trong nhóm đến từ nhiều ngành nghề và lứa tuổi khác nhau, có người đã về hưu, cũng có bạn trẻ đang đi học, có người là chủ doanh nghiệp, có người là nhân viên văn phòng, công nhân, chạy xe ôm công nghệ...
Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng họ có chung một trái tim thiện nguyện. Người góp tiền, người góp chai nước mắm, người góp vài ký rau, người góp bao gạo, người bỏ công... để thắp lửa cho căn bếp.
"Tôi từng tự hỏi có bao nhiêu tiền thì mới làm từ thiện được, chờ giàu thì đến khi nào, thôi thì mỗi người góp một ít, có gì làm nấy. Tiền bạc mình có thể chắt góp được nhưng ở một nơi đất chật người đông như TP.HCM, việc tìm mặt bằng để nấu nướng là vô cùng khó khăn. Cơ duyên kết nối được với cô Hằng chủ nhà, cùng các anh chị em vô cùng dễ thương trong ban công tác mặt trận khu phố, hội phụ nữ, cư dân... Người góp tiền, người góp công, tất cả cùng nhau phối hợp nhịp nhàng", chị Trần Thị Hoa Phương, Trưởng nhóm "Bếp yêu thương" bộc bạch.
Bạn Huy (sinh viên năm 2 - Đại học Thể dục thể thao), Quang Phú (sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM) đều đặn dành thời gian đến từng phòng bệnh phát phiếu tặng suất ăn cho các bệnh nhân ung thư.
"Tôi từng có người thân bị ung thư, nên tôi hiểu họ vất vả và chông chênh thế nào. Mỗi bữa cơm gửi đi, tôi chỉ mong các bệnh nhân có thêm chút sức lực, thêm động lực tinh thần để chiến đấu với bệnh tật", Huy tâm sự.

Thành viên "Bếp yêu thương" phát tặng phiếu ăn cho bệnh nhân ung thư
ẢNH: LÊ CẦM
Ngoài cổng, anh Thành, người phụ trách vận chuyển, đang kiểm tra xe. Những thùng cơm nóng hổi được xếp ngay ngắn phía sau, sẵn sàng lên đường đến bệnh viện. Anh kéo găng tay, quay lại nhắc mọi người: "Nhanh nào mọi người, để cơm đến nơi vẫn còn nóng!".
Hơn cả một bữa cơm, đó là sự chia sẻ, gửi gắm niềm tin
Mỗi suất cơm trao đi không chỉ là một phần ăn ngon và no bụng, mà còn là một lời động viên, một sự chia sẻ đầy yêu thương. Những bệnh nhân ung thư, đa phần đều là người xa quê, kinh tế eo hẹp. Có những người điều trị dài ngày, tiền thuốc thang đã quá đắt đỏ, đến bữa ăn cũng trở thành nỗi lo cho cả bệnh nhân và người nhà.
Bác Thắng (58 tuổi), một bệnh nhân từ miền Trung vào điều trị, nghẹn ngào khi nhận hộp cơm còn ấm nóng trên tay: "Mỗi ngày chi phí điều trị đã quá nhiều, có bữa cơm miễn phí thế này, tôi mừng lắm. Nhưng quý hơn là tình cảm của những người nấu ra nó, làm tôi thấy mình không đơn độc".
Không chỉ mang đến những phần ăn, các thành viên trong nhóm còn dành thời gian trò chuyện, thăm hỏi các bệnh nhân. Có những người cả tháng không có ai đến thăm, những cuộc trò chuyện, hỏi thăm dù ngắn ngủi trong phút chốc cũng đủ để sưởi ấm lòng họ.

Tác giả cùng các thành viên thân thương của nhóm "Bếp yêu thương" chụp hình kỷ niệm
ẢNH: TRANG ĐOÀN
Một thành viên lớn tuổi nhẹ nhàng đặt tay lên vai một bệnh nhân trẻ, ân cần hỏi: "Con ăn thấy ngon không, có cần thêm gì không?". Cô gái trẻ gật đầu cảm ơn, đôi mắt long lanh, như muốn nói rằng sự quan tâm này quý giá hơn bất cứ điều gì.
Không quản mưa nắng, "Bếp yêu thương" vẫn đều đặn đỏ lửa. Dù có những hôm trời mưa tầm tã, áo quần ướt sũng, các anh chị vẫn lặng lẽ xếp từng hộp cơm lên xe, động viên nhau cố gắng.

Các suất ăn được trao tay đến các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân
ẢNH: LÊ CẦM
"Một, hai hộp cơm miễn phí không làm thay đổi cuộc đời ai, nhưng nó có thể giúp một bệnh nhân ung thư nghèo bớt đi một nỗi lo. Và hơn hết, nó mang theo niềm tin rằng, giữa những khó khăn, vẫn luôn có những bàn tay sẵn sàng chìa ra để san sẻ giữa thành phố náo nhiệt. Mong rằng số lượng bếp trên địa bàn TP.HCM ngày càng nhiều hơn để giúp đỡ bệnh nhân khó khăn", bác Nguyễn Quang Chung - Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 25, phường Long Thạnh Mỹ, thành viên "Bếp yêu thương" bộc bạch.