Chiều 14-3, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức gặp gỡ 16 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và 27 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM năm 2024.
Muốn doanh nghiệp chọn TP.HCM là nơi đầu tư lâu dài
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết ngay sau buổi gặp gỡ này, thành phố sẽ khẩn trương thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Đây là đầu mối tổ chức tiếp nhận và giải quyết các khó khăn vướng mắc, giúp chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo điều phối hoạt động giữa các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện trong công tác giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp.
Tổ trưởng tổ công tác do chủ tịch UBND TP.HCM trực tiếp làm tổ trưởng, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) được giao là cơ quan thường trực. Tổ công tác còn có lãnh đạo 10 sở ngành, những sở thường xuyên có những vấn đề doanh nghiệp gặp phải cần giải quyết khó khăn.
Ông Trần Phú Lữ, giám đốc ITPC, cho biết thêm đơn vị được giao là cơ quan thường trực, ngoài ra còn có lãnh đạo 10 sở ngành, những sở thường xuyên có những vấn đề doanh nghiệp gặp phải cần giải quyết khó khăn.
Nhà đầu tư muốn TP cải thiện hạ tầng giao thông, sân bay
Các nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế đã có những đề xuất cởi mở, góp ý để thành phố cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đề xuất các xu hướng đầu tư mới.
Ông Ramachandran A.S, chủ tịch AmCham Việt Nam tại TP.HCM, kiến nghị TP.HCM cần tập trung vào một số lĩnh vực cần trong năm 2024, và đầu tiên là củng cố hệ sinh thái sản xuất giá trị cao.
Điều này bao gồm các lĩnh vực như giáo dục đại học, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số giữa các ngành, logistics, cơ sở hạ tầng, năng lượng và phát triển bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và thể chất và cuối cùng là cải thiện môi trường chính sách thuận lợi.
Trong khi đó, ông Dominik Meichle, phó chủ tịch EuroCham, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa hiệp hội và thành phố trong các lĩnh vực khác nhau như thiết lập thị trường tín chỉ carbon, xây dựng khuôn khổ thực hiện nghị quyết 98, chính sách toàn diện cho sự phát triển xanh của thành phố đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050.
Bà Đỗ Thị Hồng Duyên, thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), cho rằng thành phố cần xác định năm lĩnh vực chính cần cải thiện gồm cải thiện môi trường đầu tư; cải thiện về mặt chính sách; cải cách giáo dục, thúc đẩy nội địa hóa của chuỗi cung ứng, và đơn giản hóa chính sách visa làm việc và kinh doanh.
"Bằng cách này, chúng ta tạo ra công bằng minh bạch và một quy trình phê duyệt đáng tin cậy, nhanh chóng, nhất quán cho các nhà đầu tư", bà Hồng Duyên nói.
Liên quan đến phát triển chuỗi cung ứng sản xuất, đại diện GBA cho rằng thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách nội địa hóa chuỗi cung ứng và nâng cao khâu hạ tầng kho vận, sử dụng giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch, khuyến khích đầu tư công nghệ và nâng cao khả năng nghiên cứu, phát triển.
"Hạ tầng giao thông là một hạn chế rất lớn của các tỉnh phía Nam, trong đó có TP.HCM. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như phát triển du lịch. Các khu công nghiệp cần được tiếp cận dễ dàng thông qua các con đường không ùn tắc, thông thoáng đến sân bay, cảng, như vậy mới có thể tăng sản lượng công nghiệp", đại diện GBA nói.