Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 118,5 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2024.
Cụ thể, xung quanh 11 nhà ga trên cao của tuyến metro dọc Xa lộ Hà Nội sẽ được xây dựng các trạm dừng, nhà chờ buýt, bãi đậu xe cá nhân; bổ sung lối đi bộ… Riêng khu vực nhà ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) được xây thêm bãi đậu xe rộng hơn 1.600m2 để xe buýt sau khi đón trả khách trước nhà ga đến bãi chờ tài.
Theo Sở GTVT, tuyến metro số 1 đã hoàn thành hơn 80% khối lượng xây lắp, dự kiến đưa vào vận hành đầu năm 2023. Do đó, cần sớm đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân tiếp cận nhà ga một cách thuận tiện, nhanh chóng, an toàn bằng hệ thống xe buýt để hỗ trợ tuyến metro vận hành hiệu quả, đạt công suất thiết kế.
Cũng theo Sở này, dự báo nhu cầu vận tải hành khách của tuyến metro số 1, lượng hành khách lên xuống tại các nhà ga rất lớn, vượt quá mức độ phát sinh nhu cầu trong khu vực lân cận các nhà ga (trong bán kính đi bộ 500m).
Bên cạnh đó, mức độ phân bố và phát triển dân cư như hiện nay của thành phố sẽ không phát huy hết khả năng vận hành của tuyến metro nên cần có sự hỗ trợ của phương thức vận tải xe buýt nhằm thu gom và giải tỏa hành khách từ các nhà ga tới các khu vực lân cận và ngược lại.
Do vậy, việc kết nối các nhà ga metro với tuyến buýt trục chính, buýt nhánh và tuyến buýt gom tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức, kết hợp việc khai thác riêng lẻ của mỗi phương thức vận tải thành mạng lưới liên kết phát triển đồng bộ, thống nhất. Điều này cho phép thu hút hành khách đến từ các khu vực khác trong thành phố đến với metro Bến Thành-Suối Tiên.
Tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng, dài gần 20km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức) với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.