Bộ Tài chính cho hay, trong các khoản thưởng cho đội bóng đã nữ, có khoản phải chịu thuế, khoản không. Cụ thể, tiền thưởng cho thành tích đạt được theo Luật Thi đua khen thưởng thì được miễn thuế; tiền thưởng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước cho các thành viên đội tuyển được tính vào là tiền lương, tiền công, hoặc tiền thưởng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì được tính là thu nhập chịu thuế với mức luỹ tiến; với phần thưởng bằng hiện vật trực tiếp cho các cá nhân cầu thủ, ban huấn luyện mà chuyển tên sở hữu thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân với phần quà này.
“Việc hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân đối với đội tuyển bóng đá nữ tương tự với với đá U23 Việt Nam trước đây”, Bộ Tài chính lý giải.
Sau khi đoạt vé dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ thế giới, đội tuyển nữ Việt Nam đã nhận được những phần thưởng lớn bằng tiền và hiện vật, câu chuyện tính thuế với tiền thưởng tiếp tục gây nhiều tranh luận.
Về việc người làm công ăn lương đang nộp thuế thu nhập cá nhân cao và thiếu công bằng, do mức giảm trừ gia cảnh thấp (11 triệu đồng/tháng cho cá nhân, và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc); lại chịu biểu thuế luỹ tiến từng phần. Trong khi hiện giá cả tăng cao, nên mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp.
Vấn đề này, Bộ Tài chính tiếp tục lý giải, thu nhập chịu thuế được tính sau khi đã giảm trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế. Bên cạnh đó, từ năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh đã tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng với bản thân người có thu nhập, người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người.
Về chia thuế thu nhập cá nhân thành nhiều bậc, trong đó bậc cao nhất lên tới 35%, Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.