Luỹ kế 6 tháng đầu năm, khả năng tối ưu chi phí (CIR) của các ngân hàng đã bắt đầu cải thiện đáng kể, phần lớn thuộc nhóm các ngân hàng lớn và vừa. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính đã công bố của 29 ngân hàng, CIR tính đến hết quý II/2024 của những nhà băng này ở mức 31,7%, giảm 1,5 điểm % so với 6 tháng đầu năm 2023.
Nửa đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của 29 ngân hàng ở mức 354.133 tỷ đồng, tăng 11,4 % so với nửa đầu 2023, trong khi chi phí hoạt động đạt 99.930 tỷ đồng, tăng 6,76%. Số liệu thống kê cho thấy có 20/29 ngân hàng có cải thiện về CIR so với cùng kỳ.
Mặc dù có tăng nhẹ 1,9 điểm % so với nửa đầu năm 2023, tuy nhiên SHB vẫn duy trì vị thế là ngân hàng sở hữu tỷ lệ CIR thấp nhất trong ngành ở mức 22,3%. CIR của SHB trong năm 2023 là 23,2%.
VPBank đã lấy lại vị thế thứ hai trong bảng xếp hạng từ tay VietinBank theo số liệu trước đó tại quý I, với CIR đạt 23%, giảm 5,2 điểm % so với nửa đầu năm trước. Nguyên nhân là tổng thu nhập hoạt động luỹ kế 6 tháng đầu năm tại VPBank ghi nhận tăng 17,5%, trong khi tổng chi phí hoạt động giảm 4,28%.
Bên cạnh đó, nhờ cải thiện đáng kể CIR, Techcombank tiếp tục giữ vị trí thứ 4 trong danh sách, CIR của nhà băng này ở mức 28%, giảm 4,2 điểm %.
Đáng chú ý, LPBank vượt qua ngân hàng Vietcombank, vươn lên vị trí thứ 5, ghi nhận CIR cải thiện so với 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, CIR ngân hàng đạt 28,2%, giảm 18,7 điểm %, tỷ lệ giảm cao thứ hai toàn ngành theo ghi nhận số liệu trong nửa đầu năm nay.
Vietcombank xếp thứ 6 toàn ngành với CIR giảm nhẹ 0,5 điểm %, đạt 29,9% trong 6 tháng đầu năm, do tổng thu nhập hoạt động có sự giảm nhẹ.
Những ngân hàng còn lại trong Top 10 CIR thấp nhất lần lượt là MB (30,6%), MSB(30,9%), SeABank (31%) và ACB (31,1%).
Theo thống kê, BVBank có CIR giảm tới 21,1%, tỷ lệ giảm cao nhất toàn ngành. Ngoài ra, một số ngân hàng ghi nhận CIR cải thiện đáng kể là TPBank (giảm 12,1%), KienlongBank (giảm 11,2%), BaoViet Bank (giảm 9,2%), SeABank (giảm 9%); VietBank (giảm 8,2%) và VPBank (giảm 5,2%).