Tài chính

Tổng thống Panama vừa đáp trả vụ đòi kênh đào, ông Trump gửi luôn lời thách thức: "Để xem!"

Ông Trump dọa kiểm soát kênh đào Panama

Hôm 22/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ tái khẳng định quyền kiểm soát của Washington đối với Kênh đào Panama, với lý do rằng các hãng vận chuyển phải trả mức phí "vô lý" để đi qua kênh vận tải quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Theo Reuters, phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở Arizona, ông Trump cũng cho biết ông sẽ không để kênh đào rơi vào "tay không đúng người", đồng thời cảnh báo về khả năng Trung Quốc gây ảnh hưởng đến tuyến đường này.

Sau sự kiện, ông Trump đã đăng hình ảnh trên nền tảng mạng xã hội Truth Social: Quốc kỳ Mỹ tung bay trên một vùng nước hẹp, kèm theo bình luận: "Chào mừng đến với Kênh đào Mỹ!".

Tổng thống Panama vừa đáp trả vụ đòi kênh đào, ông Trump gửi luôn lời thách thức: "Để xem!"- Ảnh 1.

Ông Trump đăng ảnh ẩn ý về Kênh đào Panama trên X.

"Nó đã được trao cho Panama và người dân Panama, nhưng nó có những điều khoản kèm theo", ông Trump nói về kênh đào vốn từng thuộc sở hữu của Mỹ nhưng đã được trao cho Panama cách đây nhiều thập kỷ.

Ông cho biết Kênh đào Panama là "tài sản quốc gia quan trọng" đối với Mỹ, gọi nó là "thiết yếu" đối với thương mại và an ninh quốc gia.

Reuters cho rằng, bình luận của ông Trump là một hành động cực kỳ hiếm hoi về một nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông có thể thúc đẩy một quốc gia có chủ quyền giao nộp lãnh thổ.

Tổng thống Panama đáp trả

Trong thông điệp công bố vào chiều 22/12, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cho biết nền độc lập của Panama là không thể thương lượng và Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đến việc quản lý kênh đào. Ông cũng bảo vệ mức phí vận chuyển hàng hải đi qua Panama tính, theo ông mức giá này không được thiết lập "theo ý thích".

Trong khi đó, Trung Quốc không kiểm soát hoặc quản lý kênh đào nhưng một công ty con của CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) từ lâu đã quản lý hai cảng nằm ở cửa vào kênh đào Caribe và Thái Bình Dương.

"Mỗi mét vuông của Kênh đào Panama và khu vực xung quanh đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về [Panama]", ông Mulino cho biết trong tuyên bố được phát đi trên X.

Ông nhấn mạnh rằng kể từ khi kênh đào được chuyển giao từ Mỹ cho Panama vào ngày 31/12/1999, theo Hiệp ước Torrijos-Carter được ký kết năm 1977, không có bất kỳ phản đối hoặc khiếu nại nào liên quan đến quyền kiểm soát của Panama.

Tuy vậy, ông Trump sau đó nhanh chóng trả lời bình luận của ông Mulino: "Chúng ta hãy cùng chờ xem!"

Tổng thống Panama vừa đáp trả vụ đòi kênh đào, ông Trump gửi luôn lời thách thức: "Để xem!"- Ảnh 2.

Kênh đào Panama là cầu nói quan trọng liên địa dương.

Tầm quan trọng của kênh đào Panama

Năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đàm phán Hiệp ước Torrijos-Carter trao cho Panama quyền kiểm soát kênh đào và Hiệp ước trung lập, cho phép Mỹ bảo vệ tính trung lập của kênh đào. Kênh đào hiện do Cơ quan quản lý kênh đào Panama quản lý.

Mỹ đã hoàn thành việc xây dựng kênh đào dài 82km qua eo đất Trung Mỹ vào năm 1914 và vẫn là khách hàng lớn nhất của kênh đào này, chịu trách nhiệm cho khoảng 3/4 lượng hàng hóa quá cảnh qua đây mỗi năm.

Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của kênh đào này.

Hiện nay tình trạng hạn hán kéo dài đã cản trở khả năng di chuyển tàu thuyền giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của kênh đào Panama. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard cho biết vào tuần trước rằng, sự gián đoạn vận chuyển đã góp phần gây áp lực lên chuỗi cung ứng.

Theo cơ quan quản lý kênh đào, lượng tàu qua lại kênh đào Panama đã giảm 29% trong năm tài chính vừa qua do tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, chỉ có 9.944 tàu đi qua kênh đào, so với 14.080 tàu của cùng kỳ năm trước.

Tháng trước, Tổng thống Nicaragua, ông Daniel Ortega, đã công bố kế hoạch xây dựng tuyến đường thủy liên đại dương dài 445 km nhằm thay thế cho tuyến đường thủy của nước láng giềng Panama.

Trong đề xuất gửi tới các nhà đầu tư Trung Quốc tại một hội nghị thượng đỉnh kinh doanh khu vực, ông Ortega cho biết "mỗi ngày việc đi qua Panama lại trở nên phức tạp hơn". Ông nói rằng dự án kênh đào của Nicaragua có thể thu hút đầu tư từ Trung Quốc và Mỹ, đồng thời lưu ý Mỹ đã cân nhắc việc xây dựng kênh đào Nicaragua từ năm 1854.

An An

Cùng chuyên mục

Đọc thêm