Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, ngày 21/9, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank cho biết: Ngay từ khi bão Yagi đi qua, gây thiệt hại, ngân hàng này đã yêu cầu các đơn vị rà soát các khách hàng, đưa ra các chương trình hỗ trợ như: triển khai chính sách giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.
Bên cạnh giảm lãi suất, ngân hàng giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31/1/2025. Chương trình áp dụng từ nay đến hết tháng 10 với hạn mức khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TPBank cũng triển khai các hoạt động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Liên quan đến đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Hưng phân tích: Chỉ còn chưa đầy 4 tháng để đạt mục tiêu đề ra nhưng thực tế hiện tại, ngành ngân hàng nói chung đến nay mới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng gần 8. Tổng giám đốc TPBank bày tỏ đồng tình với các mục tiêu của Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, để đạt mức 15%, hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Lãnh đạo TPBank phân tích thêm: Việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay trong thời điểm này là rất cần thiết. Tuy nhiên, với một số khách hàng bị ảnh hưởng nặng của bão thì mối lo ngại lớn nhất là sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có dòng tiền trả nợ.
Do hệ thống đánh giá tín dụng tự động, nên nợ quá hạn sẽ tự động nhảy nhóm, ngay cả khi khách hàng chỉ cần chậm một ngày không trả nợ đúng hạn. Từ đó, doanh nghiệp sẽ bị có lịch sử nợ xấu, sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng trong tương lai. Trong trường hợp này, nếu không có cơ chế, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi hoãn, giãn nợ.
Ông Nguyễn Hưng cho hay, nhìn lại thực tế vừa qua nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19, NHNN đã có các Thông tư 01, 02 về giãn, hoãn nợ phát huy khá hiệu quả trong việc hỗ trợ tức thời doanh nghiệp, người dân.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo TPBank kỳ vọng, Chính phủ, NHNN sau các Hội nghị, họp bàn, sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giãn, hoãn nợ để giúp doanh nghiệp giành được nguồn lực lớn, tập trung khắc phục thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định "guồng" sản xuất kinh doanh.