Thông tin này được ông Craig Richard Bradshaw, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials (MSR) cho biết trong phiên họp cổ đông thường niên sáng nay.
Theo ông, dựa vào kết quả khoan kiểm soát hàm lượng thực hiện năm 2020 và 2021, mỏ đa kim loại Núi Pháo của Masan High-Tech Materials vẫn còn hơn 44 triệu tấn quặng có thể khai thác và chế biến, kéo dài vòng đời mỏ thêm 12 năm. Trước đó, năm 2019, công ty ước tính vòng đời của mỏ này chỉ khoảng 17 năm và tới cuối năm ngoái đã khai thác hơn 9 năm.
Ngoài trữ lượng gia tăng, tiềm năng từ việc mở rộng mỏ và khai thác từ đuôi quặng có thể giúp nhà máy của Masan High-Tech Materials vận thành thêm 9 năm.
Năm ngoái, nhờ nhu cầu và giá các sản phẩm Vonfram tiếp tục tăng mạnh, Masan High-Tech Materials đạt doanh thu kỷ lục hơn 15.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ Vonfram tăng 13%, với tỷ trọng lớn đến từ các sản phẩm Vonfram cận sâu của H.C. Starck Tungsten Powders - công ty thành viên của Masan High-Tech Materials, có trụ sở tại Đức.
"Masan High-Tech Materials đã trải qua một năm kinh doanh nhiều thử thách, vượt qua biến động của thị trường và ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, doanh thu từ Vonfram cũng như tỷ lệ tái chế phế liệu Vonfram đều tăng, góp phần tạo ra kỷ lục về doanh thu năm 2022", CEO của Masan High-Tech Materials đánh giá.
Sản lượng Vonfram từ hoạt động tái chế của H.C. Starck đã tăng 13%. Công ty này đang tập trung vào tăng sản lượng từ nguồn cung thứ cấp (tái chế phế liệu), theo Masan High-Tech Materials, là phù hợp với định hướng "giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế" của công ty.
Năm nay, công ty thành viên của Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu khoảng 16.500-18.200 tỷ đồng, tăng 6-17% so với năm trước. Trong kịch bản tích cực, công ty có thể ghi nhận mức lãi ròng khoảng 300 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ 2022.
Ngoài việc khai thác, Masan High-Tech Materials cho biết sẽ tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao và công nghệ mới. Năm ngoái, công ty ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh vào Nyobolt Limited, một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh. Đầu năm nay, H.C. Starck ra mắt thương hiệu bột Vonfram "starck2charge" sử dụng trong sản xuất pin.
"Sản phẩm này được kỳ vọng giải quyết những bài toán năng lượng mới và tạo ra hệ sinh thái năng lượng sạch, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ôtô điện", Tiến sỹ Hady Seyeda, Tổng giám đốc H.C. Starck, Phó tổng giám đốc Masan High-Tech Materials nói.
Thời gian tới, Masan High-Tech Materials cũng cho biết sẽ triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên.
Vonfram sẽ được thu hồi từ các sản phẩm pin và in 3D đã qua sử dụng và đưa vào tái chế, trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm mới. Công ty đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.