Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Sasco: Lợi nhuận quý I ước đạt 45 tỷ đồng, giá dịch vụ phòng chờ đã không tăng trong nhiều năm qua

 ĐHĐCĐ của Sasco diễn ra sáng 18/4. (Ảnh: Minh Hằng).

Sáng 18/4, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – Mã: SAS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Năm 2023, Sasco lên kế hoạch doanh thu thuần gần 2.363 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 274 tỷ đồng, tăng lần lượt 58% và 19% so với năm 2022.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Kế hoạch trên được tính toán dựa trên sản lượng hành khách đi và đến ước tính ở mức 39 triệu lượt, tương đương 95% năm 2019, thời điểm chưa có dịch COVID.

Trong đó, lượng khách quốc tế được kỳ vọng đạt 84% sản lượng 2019, tương ứng 6,7 triệu lượt khách đi và 6,3 triệu lượt khách đến. Thị trường nội địa dự kiến hồi phục hoàn toàn, với ước tính 13,2 triệu lượt khách đi và 12,9 triệu lượt khách đến.

Lãnh đạo Sasco đánh giá năm 2023, dù kinh tế thế giới dù đang đối mặt các bất ổn và được dự báo tăng trưởng chậm lại, Việt Nam vẫn được xem là một trong những điểm sáng về tiềm năng phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, khủng hoảng dịch bệnh COVID đã giảm tác động đối với ngành hàng không và du lịch. Vì thế, ban lãnh đạo công ty kỳ vọng sự tăng trưởng của hành khách quốc tế sẽ khởi sắc từ cuối quý II/2023, mang lại khả năng phục hồi mạnh mẽ của thị trường so với thời gian trước dịch.

Trên thực tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 2,4 triệu lượt người, tương đương 73% cả năm 2022.

Năm 2023, ban lãnh đạo Sasco kỳ vọng toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty tại nhà ga quốc tế và quốc nội được khôi phục, trong đó sẽ tập trung đổi mới và phát triển các loại hình mang lại hiệu quả cao. Công ty cũng sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý và thủ tục xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Suối Hoa.

Về kế hoạch cổ tức, Sasco dự kiến chia tổng cộng 1.398 đồng/cp cho năm 2022. Trước đó công ty đã trả 10% bằng tiền mặt, tương ứng số tiền 133 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Sasco cũng trình cổ đông phương án chia cổ tức đợt 1/2023 tỷ lệ 8% tiền mặt (800 đồng/cp), tương ứng số tiền cần chi là 107 tỷ đồng 

*Phần thảo luận:

Câu hỏi: Kết quả kinh doanh và sản lượng hành khách đạt được trong quý I/2023? Tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh phòng chờ ra sao?

Quý đầu năm, Sasco ghi nhận doanh thu 569 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng, tăng lần lượt 3,3 lần và tăng 25,4 lần so với mức nền thấp của quý I/2022. So với kế hoạch năm, công ty đã thực hiện được 24% chỉ tiêu doanh thu và 16,4% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Sản lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất hơn 10,4 triệu khách. Nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì tăng 101%, còn so với quý I/2022 tăng trưởng 179%.

Trong đó khách quốc tế là hơn 3,1 triệu khách, tăng đến 1.349% so với quý I/2022. Khách nội địa đạt hơn 7,3 triệu khách, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng Giám đốc Sasco thông tin thêm trong quý I, khách Trung Quốc vẫn chưa trở lại dù nước này đã tái mở cửa từ đầu năm. Bà kỳ vọng sang quý II, hành khách từ đất nước tỷ dân này sẽ trở lại. 

Về mảng kinh doanh phòng chờ, bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng Giám đốc Sasco cho biết, đây không phải là mảng có hoạt động hiệu quả nhất của công ty, mức biên lợi nhuận cao trên các báo cáo tài chính chủ yếu là do chưa được hạch toán chi phí đầy đủ, vì một loạt chi phí phòng chờ nằm ở phần back-offfice. Đặc biệt trong đợt dịch công ty phải chia sẻ khó khăn với phía ACV. 

Giá dịch vụ phòng chờ cho Vietnam Airlines đã nằm dưới giá vốn và được giữ nguyên từ năm 2011 đến nay và chưa tăng lên. Trong khi các chi phí đầu vào tăng lên mạnh sau đại dịch. "Chúng tôi đã không tăng giá dịch vụ cho phòng chờ quốc tế gần 5 năm nay", bà Hương nói.

Bà chia sẻ thêm hiện khách quốc tế chưa quay trở lại nên các phòng chờ quốc tế chưa đông, trong khi phòng chờ quốc nội "đang hơi quá tải do chật chứ chưa phải vì lượng khách tăng đột biến". 

Nhân lực của Sasco giai đoạn 2019 – 2021 giảm nhiều. Vậy tình trạng này đã được giải quyết ra sao?

Giai đoạn dịch và trong bối cảnh khó khăn chung của ngành hàng không, công ty không thể nào giữ nguyên lượng nhân lực. Tháng 3/2022, công ty mời những nhân viên đi làm lại để đưa công ty trở lại thị trường một cách nhanh nhất. "Hiện chúng tôi vẫn đang tuyển dụng và đào tạo nhân viên cho mùa cao điểm quốc tế", đại diện Sasco trả lời.

Vì sao biên lợi nhuận gộp năm 2022 cao hơn so với trước đại dịch?

Tổng Giám đốc Sasco trả lời, biên lợi nhuận gộp mới chỉ cho thấy ở con số tỷ lệ, giá trị tuyệt đối (của lợi nhuận gộp) mới quan trọng.

Chẳng hạn biên lợi nhuận gộp năm 2019 thấp nhưng giá trị tuyệt đối cao vì doanh thu bán hàng ở mức cao. Trong khi năm 2022, biên lãi gộp nhỉnh hơn giai đoạn trước nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì không thể bằng với mức trước dịch.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Tình hình hoạt động của hai công ty thành viên CTCP Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS)?

Ban lãnh đạo cho biết giá dịch vụ đang cung cấp của TCS trong năm 2022 bị giảm do hoạt động chung của logistics trên thế giới vẫn còn khó khăn sau đại dịch. Đối với Xăng dầu Tân Sơn Nhất, công ty này đã bù được một phần lỗ của những năm trước do không có chuyến bay.

Cuối đại hội, Chủ tịch HĐQT Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng về sự bứt phá của Sasco trong tương lai khi tiềm năng vẫn còn rất nhiều. Ông kỳ vọng Sasco sẽ không đơn thuần dừng lại để đạt được con số 1.000 - 2.000 tỷ đồng doanh thu và chỉ lãi vài trăm tỷ.

"Hiện nay Sasco chưa sử dụng đồng vốn vay nào cả, mà hoàn toàn là vốn tự có. Tiền gửi tiết kiệm vẫn còn rất cao. Vì vậy, tôi hy vọng Sasco sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới", người đứng đầu Sasco nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm