Theo Tổng cục Thuế, sau hơn một năm triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc, đã có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Hiện nay việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, chế tác vàng đang được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật liên quan.
Theo đó, đối với doanh nghiệp, căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.
Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng GTGT nhân với thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý. GTGT của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
Đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, căn cứ Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có hoạt động gia công sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sản xuất đồ kim hoàn và chi tiết liên quan, bán buôn, bán lẻ đồ kim hoàn và chi tiết liên quan thực hiện quản lý thuế theo một trong hai phương pháp đó là: hộ khoán và hộ kê khai. Số thuế phải nộp của hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực gia công sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sản xuất đồ kim hoàn bằng doanh thu tính thuế nhân với tỷ lệ tính thuế GTGT, TNCN theo quy định.
Tổng cục Thuế cho biết, triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, từ ngày 1/7/2022 hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử.
Cùng với đó, từ ngày 15/12/2022, ngành Thuế đã chính thức triển khai giải pháp hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua. Đối với việc kinh doanh vàng miếng, chỉ có doanh nghiệp đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh… được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép kinh doanh và doanh nghiệp sẽ được kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
Tổng cục Thuế cho biết, đối với 2 lĩnh vực này, cơ bản cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực gia công vàng bạc có một số trường hợp người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân, không lấy hóa đơn dẫn đến việc khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch.
“Để kiểm soát được toàn bộ các giao dịch này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành địa phương, trong đó vai trò của ngành Ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền; vai trò của UBND các tỉnh, thành phố, quận huyện… trong việc chỉ đạo các sở ban ngành địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát là vô cùng quan trọng”, Tổng cục Thuế khẳng định.
Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hoá đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng.
Theo đó, cơ quan thuế đã rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền – đây là giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế áp dụng riêng cho lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Ngành Thuế khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ thông qua chương trình hoá đơn may mắn của ngành Thuế.
Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo các cục thuế phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất hoá đơn điện tử, trong đó có các cơ sở kinh doanh vàng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, qua đó tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người mua.
Theo đó, sau hơn một năm triển khai trên toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong quản lý thuế đối với lĩnh vực này, ngoài các giải pháp trên, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan ban ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua và tổ chức việc giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.