Tài chính

Toàn cảnh DN bảo hiểm niêm yết quý III: 11/13 doanh nghiệp giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ

Trong quý III/2024, ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã đối mặt với thách thức chưa từng có trong lịch sử: Bão Yagi. Vào đầu tháng 9, cơn bão Yagi và hoàn lưu bão đã đổ bộ và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. 

Theo thống kê từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tính đến ngày 31/10, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tiếp nhận khoảng 14.772 thông tin thiệt hại về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xe cơ giới và các nghiệp vụ khác bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm nông nghiệp.

Hiện nay, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường là 417 tỷ đồng. Ngành bảo hiểm nhân thọ chịu tác động thấp hơn từ bão Yagi, với 103 trường hợp thương tật và tử vong, tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm vào khoảng hơn 21 tỷ đồng. 

Cơn bão Yagi đã khiến chi phí bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm tăng vọt, kéo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đi lùi. Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động tài chính suy yếu trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm cũng là yếu tố khiến lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm suy yếu. 

Biểu đồ loại trừ Bảo Việt do doanh nghiệp này hoạt động trong cả lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ. 

Theo thống kê từ 13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết, có tới 5 doanh nghiệp đã báo lỗ trong quý III/2024, lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm 34,6%, xuống 981 tỷ đồng. Ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) với phần lớn nguồn thu hoạt động kinh doanh đến từ mảng nhân thọ, các doanh nghiệp còn lại đều hoạt động trong mảng phi nhân thọ.

Nếu chỉ xét riêng hoạt động của 12 doanh nghiệp bảo hiểm (trừ Bảo Việt), tổng lợi nhuận đã giảm gần 70% so với cùng kỳ, xuống 293 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ mảng bảo hiểm giảm 53,1% và lợi nhuận mảng tài chính giảm 12,5%, xuống lần lượt 414 và 854 tỷ đồng.  

Nếu gộp cả Bảo Việt, mảng bảo hiểm của các doanh nghiệp này lỗ 99 tỷ đồng, so với khoản lỗ 397 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Cần lưu ý rằng Bảo Việt có hai công ty con là Bảo Việt Nhân thọ (lĩnh vực nhân thọ) và Bảo hiểm Bảo Việt (lĩnh vực phi nhân thọ). Quy mô tài sản của Bảo Việt Nhân thọ lớn gấp nhiều lần Bảo hiểm Bảo Việt. 

Lợi nhuận mảng tài chính của cả 13 doanh nghiệp bảo hiểm đã giảm 10,3%, xuống 3.433 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 21,4%, lên 2.449 tỷ đồng kéo lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm mạnh.

Tập đoàn Bảo Việt và Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI - Mã: PTI) là hai tổ chức ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý III.

5 doanh nghiệp bảo hiểm lỗ, 6 doanh nghiệp báo lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.

Chi phí đền bù tăng cao 

Tuy lợi nhuận sụt giảm, doanh thu phí bảo hiểm gốc, doanh thu tái bảo hiểm tại nhóm bảo hiểm niêm yết tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. 

Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm gốc của Tập đoàn Bảo Việt tăng 1,1% so với cùng kỳ, đạt trên 10.608 tỷ đồng, nếu tính riêng mảng phi nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm tăng 6,5%, lên 2.789 tỷ đồng. Nếu loại trừ Bảo Việt, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 12 doanh nghiệp trong quý III/2024 đạt 9.396 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động tăng cao (11%) lên 8.982 tỷ đồng là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận mảng này đã giảm 53,1% xuống chỉ còn 414 tỷ đồng. 

Phần lớn chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng lên trong quý III/2024 đến từ việc các doanh nghiệp phải tăng mạnh dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm do ảnh hưởng từ bão Yagi. 

Bảo hiểm Bảo Việt, PVI và Bảo hiểm Bảo Minh là ba doanh nghiệp có doanh thu phí bảo hiểm gốc cao nhất thị trường. Tiếp theo là BIC và MIC với doanh thu phí bảo hiểm đều trên ngưỡng 1.000 tỷ.

 

Xét về tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc, PVI dẫn đầu toàn ngành, ở mức 32% so với cùng kỳ, tiếp đến là CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC - Mã : ABI), đạt 18,2% và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (AIC - Mã: AIC) đạt 17,6%.

Tuy nhiên, cũng có ba doanh nghiệp ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc sụt giảm là PTI, Tổng CTCP Tái bảo hiểm Hà Nội (HanoiRe - Mã: PRE) và Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH - Mã: BHI).

Xét về mặt chi phí, có 9/13 doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí của ABIC tăng tới 56,4%, Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia (VNR - Mã: VNR) tăng 41,5%. Đây cũng là hai doanh nghiệp báo lỗ trong quý III/2024. 

 

Trong khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm chịu ảnh hưởng từ bão Yagi, lợi nhuận mảng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm cũng chịu tác động tiêu cực từ diễn biến lãi suất huy động. Lãi từ tiền gửi luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết. 

Cụ thể, theo dữ liệu từ WiChart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trong quý III/2024 dao động trong khoảng từ 4,68%/năm đến 5,2%/năm. Cùng kỳ năm trước, lãi suất huy động nằm trong khoảng từ 5,5%/năm đến 7,2%/năm.

Kết quả này khiến lợi lợi nhuận hoạt động tài chính của 9/13 doanh nghiệp bảo hiểm sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn có 4 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận mảng tài chính tăng so là MIC, PTI, HanoiRe và BSH. 

Trong đó, lợi nhuận tài chính của PTI, BSH và MIC tăng trưởng nhờ lãi tiền gửi tăng lên, trong khi chi phí lãi hạ xuống. Với trường hợp của HanoiRe, lãi hoạt động ủy thác đầu tư gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt 29 tỷ đồng đã hỗ trợ lớn cho lợi nhuận mảng tài chính.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm