Một trong những nội dung quan trọng tại Kết luận số 1065 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh vừa ký ban hành là việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%.
Theo đó, đối với nội dung chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo hai phương án. Phương án 1 thuế suất đối với phân bón là 5% và phương án 2 là 2%.
Ngoài nội dung trên, về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (khoản 25 Điều 5), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với mức ngưỡng 200 triệu đồng/năm và bỏ quy định điều chỉnh theo CPI.
Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, sẽ đề nghị lấy phiếu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để thống nhất thu hẹp các phương án còn ý kiến khác nhau (tối đa không quá hai nội dung).
Cụ thể, về quy định không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (khoản 1 Điều 5); về sản phẩm cung cấp trên nền tảng số (điểm d khoản 1 Điều 9); Về thuế suất 0% đối với nhóm hàng hóa cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khác (điểm c khoản 1 Điều 9) và về việc không hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu (khoản 1 Điều 15).
Về quy định cho hoàn thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở “chỉ” sản xuất, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 5% và quy định về sản phẩm quốc phòng, an ninh, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem lại, giải thích rõ ràng.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, UBTVQH đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thuỷ sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%.
Tại phiên thảo luận tại Hội trường đã có nhiều đại biểu phát biểu về nội dung này, trong đó, đa số ý kiến thống nhất với Dự thảo Luật và nội dung giải trình của UBTVQH và Chính phủ, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Theo ông, VAT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua.
“Thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu”, ông Mạnh quan ngại.
Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất. Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế VAT đầu vào.
Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang,... Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế VAT phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, đối với mặt hàng phân bón nên có phương án đánh thuế 0% hoặc 5%, không nên đưa ra phương án không đánh thuế. Bởi, như đã được giải trình, việc đánh thuế sẽ giúp bảo vệ nền sản xuất phân bón trong nước.
Vì vậy, sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ xin ý kiến hai phương án đánh thuế VAT 5% hoặc 2%.