Tài chính

Suất xích lô 500-700 triệu đồng ở Hội An: Người ta đồn tầm bậy tầm bạ

Chủ nhân của những suất xích lô 500-700 triệu đồng ở Hội An là ai? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngo Lan ngồi đợi khách đi xích lô sáng 25-11 - Ảnh: B.D.

10h sáng 25-11, gần 20 chiếc xích lô đậu thành dãy kế quảng trường sông Hoài, đầu vào hướng phía Nam phố cổ Hội An.

Dưới cơn mưa lất phất, người ngồi vắt vẻo, người trùm mũ ngả lưng vào ghế ngủ chập chờn nhưng lập tức giật nảy lên khi có khách tới hỏi cuốc xe.

Nỗi oan của xích lô

Khi nghe hỏi về thông tin đang gây xôn xao dư luận về việc "chi lót tay" để có mỗi suất chạy xích lô chở khách du lịch, chủ nhân của những cuốc xe nghèo nói rằng "nói tầm bậy tầm bạ".

"Nếu có số tiền lớn như rứa dại gì đi chạy xích lô chi cho cực. Cách đây mấy năm, khi cha vợ 74 tuổi gửi lại suất chạy xe cho tôi thì tôi vẫn nhớ như in lời ông nói.

Ông nói "đạp xích lô là nghề tận dưới đáy xã hội, chỉ thua nghề chăm đẻ con ơi". Nhưng cũng ráng mà đạp vì vợ con" - ông Nguyễn Nho Lan, 63 tuổi, nhà ở 60/6 Phan Chu Trinh (Hội An), nói.

Cha vợ ông Lan là ông Huỳnh Huệ trước đây làm công nhân công ty cầu đường. Khi nghỉ việc ở doanh nghiệp, năm 1997 ông Huệ bắt đầu chạy xích lô. 

Tới năm 74 tuổi, thấy vợ chồng con rể hoàn cảnh khó khăn nên ông Huệ trao lại suất chạy xích lô cho con.

"Tui chạy rạc cả người từ sáng tới tối. Có ngày được bảy trăm nghìn, ngày năm trăm nghìn. Tính qua bù lại thì bình quân tháng được khoảng 12-15 triệu đồng. Ai muốn có thu nhập cao hơn thì phải chạy từ sáng tới tối, mà sức đâu để chạy kiểu đó?" - ông Lan nói.

Anh Trương Mạnh, 32 tuổi, nhà ở 60 Thái Phiên (Hội An), vào nghề từ năm 2018. Suất chạy xe được chú ruột là ông Trương Đông nhượng lại.

"Anh em ở đây 102 tài xế biết nhau hết. Toàn gia đình khó khăn, hoặc có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ... Thay vì đi làm thợ hồ, tui chạy xích lô tháng kiếm 10-15 triệu đồng.

Hai vợ chồng có cuộc sống tạm ổn ở Hội An. Không ai trong nghiệp đoàn xích lô bỏ cả tỉ bạc để mua suất chở khách cả" - anh Mạnh nói.

Có tiền cũng không mua được suất đạp xích lô ở Hội An

Khẳng định giá trị mỗi suất chạy xích lô ở Hội An hiện tại có giá khoảng 500 - 700 triệu đồng, ông Phan Phước Tùng, chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An, nói rằng có vài trường hợp sang tay như vậy. Nhưng chỉ là người nhà hoặc anh em bạn nghề chia sẻ cần câu cơm.

Người được sang nhượng phải đủ tiêu chuẩn như không có việc làm ổn định, bộ đội xuất ngũ hoặc gia đình có công với cách mạng...

Đặc biệt mỗi người chỉ được sở hữu một suất chạy xích lô và có cà vẹt, mã số xe riêng để quản lý. Người mua suất cũng chính là chủ xe, phải trực tiếp chở khách chứ không được thuê người khác.

"Không một ai có tiền rồi mua suất sau đó thuê người khác chạy để kiếm lời. Nếu nghiệp đoàn xích lô mà cho làm như thế thì tự đạp nồi cơm của mình rồi.

Chúng tôi mang ơn chính quyền, chẳng phải đóng bất cứ khoản nào mà ngược lại còn được động viên, giúp đỡ khi khó khăn. Vậy mà người ta đồn không đúng" - ông Tùng nói.

Chủ nhân của những suất xích lô 500-700 triệu đồng ở Hội An là ai? - Ảnh 3.

Người đạp xe xích lô đợi khách ở Hội An - Ảnh: B.D.

Ông Tùng cho biết danh sách 102 suất chạy xích lô ở Hội An hiện tại ông và anh em đều nắm rõ. Ai cũng có thể kiểm tra, đối chiếu.

Việc giá mỗi suất xe 500 - 700 triệu đồng không phải là mua bán mà chỉ là người trong nội bộ gặp khó khăn, hoặc một ai đó già yếu rồi chuyển lại cho người quen còn khó khăn. Chính quyền chỉ quản lý danh sách tổng, nghiệp đoàn tự quản lý nhân sự.

Khổ như xích lô

Tài xế Trần Ngọc Duy (28 tuổi) trú tại làng Trà Quế (xã Cẩm Hà) nói rằng mình đi nghĩa vụ lực lượng vũ trang về. Năm 2021, thấy vợ chồng con trai công việc không ổn định nên người cha ngoài 50 tuổi của anh đã nhượng lại suất chạy xích lô.

"Anh em trong nghiệp đoàn bảo bọc nhau đoàn kết làm ăn chứ làm gì có chuyện mua bán suất như một mặt hàng, cứ có tiền là mua được rồi cho thuê lại" - anh Duy nói.

Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng nói rằng "khổ mới đi đạp xích lô, chẳng ai giàu có lại chọn nghề này".

Bản thân là chủ tịch nhưng ông Tùng nói mình cũng chỉ là "chủ tịch xích lô, chức mà nghe đã cái nghề thân phận". Hằng ngày ông Tùng cũng chạy xích lô kiếm sống như các anh em khác.

"Mỗi suất giá hàng trăm triệu đồng nhưng anh em chẳng ai bán ra ngoài vì đó là cần câu cơm. Mình đạp xe cũng nhục lắm, có khách không hài lòng rồi chửi là "đồ hạ lưu", rồi thấy bạn bè mình ăn mặc sang trọng đi du lịch mà lén quay mặt đi vì thấy xấu hổ" - ông Tùng nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm