Doanh nghiệp

Tổ chức xếp hạng cảnh báo rủi ro trái phiếu của 3 công ty có tên xây dựng nhưng bản chất là bất động sản

 

Trong báo cáo mới phát hành, FiinRatings (thuộc FiinGroup) cho biết, trong tháng 8 vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong khối lượng phát hành.

Cụ thể, giá trị phát hành trong tháng chỉ đạt 9.400 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng phát hành thấp nhất cả năm trên thị trường TPDN và còn thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết vốn có tính chu kỳ với khối lượng thấp.

Nhóm phân tích cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do sự cẩn trọng và chờ đợi các chính sách mới từ cả phía nhà đầu tư lẫn nhà phát hành. Trong khi nhà phát hành chờ đợi những thay đổi về chính sách để có phương án phù hợp, nhà đầu tư cá nhân cũng không mấy mặn mà với các lô trái phiếu đang được chào bán bởi chưa thể nắm rõ các quy định và hướng dẫn trong trường hợp như nếu không được xác định là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì có được giao dịch thứ cấp với trái phiếu đang nắm giữ hay không.

 

Tháng này, nhóm bất động sản được đánh giá có diễn biến tích cực trên thị trường TPDN khi giá trị phát hành tăng gấp 4,3 lần so với tháng trước. Theo đó, những doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng tốt và minh bạch vẫn huy động được trái phiếu.

Đơn cử, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH) đã thành công trong hoạt động huy động thành công lô trái phiếu 800 tỷ đồng có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 12%/năm. Mục đích huy động nhằm tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế, qua đó góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng, đơn vị sở hữu dự án Clarita Khang Điền Bình Trưng.

Trong khi đó, CTCP Fuji Nutri Food ghi nhận khối lượng phát hành đột biến trong tháng. Mặc dù thông tin về mục đích sử dụng vốn không được công bố, nguồn vốn lớn huy động trong kỳ hạn ngắn (một năm) có thể được sử dụng cho các hoạt động triển khai dự án.

“Các doanh nghiệp có rủi ro pháp lý dự án thấp, với dự án chuẩn bị hoàn thành và mở bán cùng sự tham gia của các đối tác nước ngoài và vị trí mở bán hấp dẫn vẫn có nhiều cơ hội và động lực để thu hút nguồn vốn trên thị trường TPDN”, chuyên gia FiinRatings nhận định.

Một điểm đáng lưu ý trong thời gian qua là một số doanh nghiệp có tên ngành xây dựng bao gồm CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải, CTCP Xây dựng Minh Trường Phú và CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh nhưng về bản chất theo FiinRatings là các doanh nghiệp bất động sản và mục đích của trái phiếu phát hành nhằm phục vụ trực tiếp vào việc phát triển các dự án bất động sản. Các tổ chức tín dụng là bên mua và/hoặc quản lý tài sản đảm bảo.

“Đây là điểm quan trọng nhà đầu tư cần quan tâm khi được các tổ chức phân phối thứ cấp ra thì trường thì cần đánh giá doanh nghiệp phát hành này và các rủi ro của dự án một cách kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh thông tin về các tổ chức phát hành và mục đích sử dụng vốn không được công bố rõ ràng”, nhóm phân tích khuyến nghị.

Trước đó, trong cùng ngày 7/1/2022, CTCP Xây dựng Minh Trường Phú, CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải lần lượt phát hành các lô trái phiếu có giá trị 2.950 tỷ đồng và 2.990 tỷ đồng. Ngày 30/3/2022, CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh đã phát hành hai lô trái phiếu trị giá 3.600 tỷ đồng. Tất cả các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn một năm, tức đáo hạn trong năm 2023.

Cả ba doanh nghiệp này đều mới được thành lập từ năm 2020 và có địa chỉ tại TP HCM.

Áp lực đáo hạn 

FiinRatings cho rằng, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp đang tăng cao trong thời gian qua khi ngành bất động sản gặp nhiều sóng gió, đã làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay.

Thực tế này có thể sẽ còn xảy ra với một số trường hợp khác khi mà phần đông tổ chức phát hành trong 2-3 năm trước là các doanh nghiệp chưa niêm yết bao gồm công ty dự án có sức khỏe tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định. Do đó, hồ sơ tín dụng chưa được tốt hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng hoặc huy động nguồn vốn khác trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, theo nhóm phân tích, nếu nhìn nhận vấn đề này một cách thực tế và công bằng, các trường hợp  được gọi là “vỡ nợ” cũng tương tự như nợ xấu nhóm 3 của các ngân hàng thương mại.

Đơn cử, ở Trung Quốc, thị trường TPDN có quy mô gần 7.800 tỷ USD và tương đương gần 44% GDP và tỷ lệ nợ có vấn đề ở mức 1,4% trên tổng quy mô thị trường TPDN. Tỷ lệ nợ xấu TPDN này là không quá lớn nhưng nếu chỉ tính nhóm trái phiếu có tính đầu cơ thì tỷ lệ có vấn đề đã tăng lên 28,6% vào năm 2021 và được Goldman Sachs dự báo sẽ tăng lên 31,6% vào cuối năm 2022 sau những biện pháp cứng rắn của Chính phủ Trung Quốc trong hai năm qua,…

"Mặc dù thị trường TPDN tiếp tục trạng thái thanh khoản sụt giảm trong nhiều tháng qua khi chờ đợi định hướng từ chính sách mới, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì kỳ vọng vào một sự hồi phục và tăng trưởng của thị trường khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang tích cực và có nhiều triển vọng.

Mới đây, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chính nới room tín dụng cho 15 ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho tín dụng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, cũng là yếu tố hỗ trợ cần thiết để có thể duy trì dòng vốn cho các doanh nghiệp trước khi quy định mới về TPDN được ban hành và có hiệu lực", chuyên gia FiinRatings cho hay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm