Thị trường chứng khoán trong nước chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng từ các yếu tố vĩ mô quốc tế, các chỉ số đều lao dốc dưới áp lực bán tháo mạnh mẽ của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
VN-Index kết thúc tháng 9 đầy sóng gió với mức giảm 148 điểm, tương đương 11,59%, dừng chân tại mốc 1.132,11 điểm. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 30 tháng kể từ tháng 3/2020, thời điểm thị trường liên tục rơi sâu trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thanh khoản giảm 25,5% so với tháng trước, giảm 20,2% so với thanh khoản trung bình 5 tháng trước và giảm 37,5% so với trung bình 20 tháng. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm bán lẻ, hóa chất, thực phẩm và đồ uống, tong khi giảm vào nhóm chứng khoán, ngân hàng, hàng và dịch vụ công nghiệp.
Theo quan sát, dầu khí là ngành giảm mạnh nhất thị trường trong tháng 9, giảm 21,45%. Tính từ đầu năm nhóm này giảm 27,15%. Trong khi đó, nhóm điện nước xăng dầu khí đốt là một trong những nhóm khỏe nhất thị trường, chỉ giảm 4,99%.
Giữa lúc thị trường liên tục lao dốc, NĐT nước ngoài có động thái tháo chạy khỏi thị trường với việc bán ròng hơn 2.333 tỷ đồng trên HOSE. Tương tự, tổ chức trong nước cũng có tháng bán ròng nhẹ 46 tỷ đồng, tuy nhiên nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối này lại mua ròng lên tới 709 tỷ đồng.
Dòng tiền tổ chức nội tập trung gom cổ phiếu bán lẻ, thực phẩm
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước có phần ưu thế khi diễn ra ở 10/18 nhóm ngành.
Là một trong các nhóm ngành giảm sâu nhất tháng 9, cổ phiếu ngân hàng là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tháng vừa qua với hơn 396 tỷ đồng, dù tháng trước đó nhóm này vẫn được dòng tiền đẩy mạnh mua gom. Có thể thấy, dòng vốn nội đã chuyển hướng giữa bối cảnh cổ phiếu vua không thể phát huy vai trò dẫn dắt và liên tục suy yếu trong ngắn hạn.
Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản cũng nằm trong Top bán ròng. Về giá trị, tổ chức nội đã bán ròng 303 tỷ đồng nhóm này trong tháng 9.
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là dịch vụ tài chính (206 tỷ đồng), dầu khí (110 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (77 tỷ đồng), du lịch & giải trí (66 tỷ đồng), hóa chất (49 tỷ đồng),…
Cổ phiếu chứng khoán nằm trong những ngành giảm mạnh nhất tháng 9 với chỉ số giá toàn ngành lao dốc 14,58%. Tính từ đầu năm, đây cũng là nhóm giảm mạnh nhất thị trường với tốc độ giảm lên tới 47,96%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bán lẻ vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội. Thống kê của FiinTrade cho thấy nhóm bán lẻ ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 0,9% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân mạnh mẽ của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm thực phẩm và đồ uống (466 tỷ đồng).
Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu lớn gồm điện, nước và xăng dầu khí đốt (314 tỷ đồng), công nghệ thông tin (169 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (153 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (64 tỷ đồng),…
MWG tiếp tục hút tiền, VND lọt Top bán ròng
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tháng vừa qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu MWG. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất với 416,1 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được các tổ chức trong nước rót ròng trên 400 tỷ đồng.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 252,8 tỷ đồng cổ phiếu VNM của Vinamilk. Danh mục rót vốn còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa trung bình và lớn như REE (196,1 tỷ đồng), VHC (184,6 tỷ đồng) và FPT (169,2 tỷ đồng).
Trong khi đó, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 229 tỷ đồng. Quan sát giao dịch rút vốn của các tổ chức nội, hai đại diện đến từ nhóm ngân hàng là TCB và MBB cũng bị bán ròng lần lượt 178,5 tỷ đồng và 149,3 tỷ đồng. Hai cái tên cuối cùng trong danh mục rút vốn là VSC (168,2 tỷ đồng) và DBC (166,4 tỷ đồng).