Trước biến động của tỷ giá USD/VND, ngày 30/9, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước một lần nữa quyết định tăng mạnh giá bán ra USD, lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tháng, từ 23.700 VND lên 23.925 VND.
Như lần tăng trước, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng lại nhanh chóng tiến sát mức giá Nhà điều hành yết bán ra này. Trong phiên đầu tiên “thích ứng” với điều chỉnh trên, giá USD giao ngay trên liên ngân hàng sáng nay (3/10) đã lên 23.905 VND, tức chỉ còn cách ngưỡng bán ra đó 20 VND.
“Điều khác thường” vẫn đang xẩy ra và có hướng phức tạp hơn.
Trước đó, một số chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong vấn đề tỷ giá từng xem biến động hiện này là “khác thường”. Bởi lẽ theo các tương quan thông thường nhẽ ra VND phải lên giá.
Một là, lãi suất VND cao hơn nhiều lần so với lãi suất USD, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng mạnh vừa qua.
Trong tháng 6 và 7/2022, nhận diện tình hình kịp thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhanh chóng có “hiệu chỉnh chính sách” khi trở lại liên tiếp hút bớt tiền về, gián tiếp để lãi suất VND tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng; bởi trước đó lãi suất VND chỉ quanh 1-1,5%/năm, thấp hơn đáng kể so với lãi suất USD trên cùng thị trường (quanh 2,5%/năm).
Và như vừa qua, NHNN tiếp tục có quyết định tăng đồng loạt các lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất huy động. Trước và sau điều chỉnh này, lãi suất huy động VND đã tăng khá mạnh, cập nhật mới nhất mức cao nhất một cách thực tế đã lên tới 8,4%/năm (một cách thực tế vì nó đã được áp dụng cho cả những khoản tiền gửi nhỏ thay vì là một “mẹo” các ngân hàng làm tham chiếu tính lãi suất cho vay và chỉ áp cho những khoản gửi cỡ 500 tỷ đồng trở lên).
Trong khi đó trần lãi suất tiền gửi USD ở Việt Nam vẫn áp 0%. Cũng như trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND đã cao gấp nhiều lần so với lãi suất USD. Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao trở nên “khác thường” trong chênh lệch lãi suất như vậy.
Thứ hai, như các chuyên gia đã dẫn giải và phân tích, lạm phát của Việt Nam thấp hơn nhiều so với với lạm phát của Mỹ. Thế nhưng đồng USD vẫn lên giá và VND vẫn mất giá khá mạnh so với USD.
Chưa dừng lại, sau khi đồng USD hạ nhiệt đáng kể, USD Index từ gần 115 điểm hiện xuống còn 112 điểm, cũng như NHNN có loạt điều chỉnh nói trên, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục “khác thường” và tăng lên, theo hướng VND mất giá.
Như một số chuyên gia từng lý giải về sự “khác thường” trên, bên cạnh các cân đối, thì bối cảnh có những yếu tố tác động lớn. Các biến cố địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine, rủi ro các thị trường đầu tư bộc lộ… khiến các dòng chảy, các dòng vốn trở nên nhạy cảm; trong đó có xu hướng tìm đến USD để trú ẩn và đồng tiền này càng lên giá.
Ở Việt Nam cũng vậy, phản ứng trong nền kinh tế chính là một áp lực khó đo lường đối với tỷ giá USD/VND; nó tác động tức thời tới cân đối cung - cầu ngoại tệ trên thị trường.
Trước hết, hiện NHNN chưa cập nhật gần hơn dữ liệu về cán cân tổng thể để có thể tham khảo chi tiết hơn trạng thái thặng dư hay thâm hụt và mức độ. Còn theo cập nhật của Tổng cục Thống kê, Việt Nam ước xuất siêu lớn 9 tháng đầu năm nay, riêng ở cán cân thương mại.
Trong giả định nguồn ngoại tệ trong nền kinh tế, các cân đối vẫn thuận lợi hoặc không quá bất lợi đối với cung - cầu và đối với tỷ giá, thì phản ứng của dân cư và doanh nghiệp trước biến động trở thành một áp lực chính đáng chú ý, bởi nguồn ngoại tệ ở đây tạm rút khỏi lưu thông giao dịch gây mất cân đối cung – cầu và dồn lên tỷ giá...
Sau nhiều năm êm đềm với diễn biến tỷ giá USD/VND, quãng biến động nhanh và mạnh từ cuối tháng 5/2022 đến nay hẳn đánh thức hoạt động đầu cơ ngoại tệ trong nền kinh tế; thực tế cũng đã có những phản ánh người dân tìm cách mua gom ngoại tệ ở ngân hàng đưa ra bán ở thị trường tự do kiếm chênh lệch, hoặc găm giữ chờ giá lên nữa.
Tương tự, doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ cũng có thể “tạm hoãn” giao dịch bán ra, nán hoặc thậm chí găm giữ chờ giá lên; bởi 2-3%, thậm chí cao hơn, trong một thời gian ngắn cũng là một khoản giá trị gia tăng đáng kể.
Ngược lại, không thể quên năm 2021 vừa qua, các doanh nghiệp (và ngân hàng) của Việt Nam đã có một vụ mùa kỷ lục “bắt đáy lãi suất” trong đại dịch, với lượng vay thương mại nước ngoài, phát hành trái phiếu quốc tế quy mô lớn… Dĩ nhiên hoạt động này có nghiệp vụ phân tán rủi ro, sử dụng các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhưng với biến động hiện nay hẳn đang tạo sức ép đáng chú ý. Cũng như trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động vay tiếp để gối đầu đảo nợ ở đây không còn thuận lợi như trước nữa (nếu có nhu cầu).
Trở lại với hoạt động đầu cơ và găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế, áp lực ở đây từng ám ảnh nhiều lần trong quá khứ.
Giai đoạn 2008-2009, khi tỷ giá USD/VND nổi sóng, người viết từng gặp phản ứng từ bạn đọc khi viết về hiện tượng đầu cơ và găm giữ nói trên. Phản ứng đó cho rằng người dân và doanh nghiệp đầu cơ, găm giữ ngoại tệ vì lợi ích của họ, thấy lợi và làm; đó là phản ứng bình thường. Và quan điểm này cho rằng, với hoạt động đó thì cũng là “dân giàu, nước mạnh”, “doanh nghiệp giàu, nền kinh tế càng mạnh”. Còn lại là việc điều hành chính sách thế nào để hạn chế đầu cơ, găm giữ mà thôi.
Chính sách thế nào? Giai đoạn đó, vào năm 2009, câu chuyện “kết hối” nổi bật trong nhiều bình luận của các chuyên gia. Rằng, đối phó với tình trạng găm giữ ngoại tệ, Nhà nước cần kết hối, tức là ra quy định các doanh nghiệp phải bán lại ngoại tệ có trên tài khoản cho ngân hàng.
Tuy nhiên, kết hối là vấn đề phức tạp, nó liên quan đến những điều khoản cam kết quốc tế. Trước đó, vào năm 2005 Việt Nam cũng đã xóa bỏ quy định này.
Gần hơn một chút nữa, năm 2011, tỷ giá USD/VND cũng biến động mạnh và rất căng thẳng. Người quan tâm tỷ giá hẳn luôn nhớ “cú điều chỉnh lịch sử” vào tháng 2/2011. Và ngày 31/5/2011 Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 13, trong đó có quy định về việc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng…
Như trên, kết hối có hai mặt và còn chịu ràng buộc bởi những điều khoản hội nhập. Dĩ nhiên nó có thể được áp dụng mang tính thời điểm, ngắn hạn và trong tình huống đặc biệt…
Trong khi đó, một trong những mối liên hệ quan trọng đối với hoạt động đầu cơ, găm giữ và buôn bán ngoại tệ đã tồn tại hàng chục năm qua đến nay vẫn chưa thể xử lý được một cách triệt để.
Đó là sự tồn tại của thị trường tự do, hay còn gọi “thị trường chợ đen”. Chế tài đã “rút kinh nghiệm” ở giai đoạn trước, quyết liệt khi áp dụng việc tịch thu toàn bộ tang vật liên quan khi phát hiện và xử lý giao dịch vi phạm, song thị trường tự do và giao dịch ngầm vẫn còn đó. Đơn cử, từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng đã nhiều lần bắt giữ các vụ tuồn ngoại tệ quy mô lớn ra nước ngoài, mà một mục đích thường thấy là để nhập lậu vàng về.
Còn với người dân và các doanh nghiệp, họ phản ứng theo hướng có lợi và trong khuôn khổ pháp luật cho phép hoặc không cấm. Để “rã đông” đầu cơ và găm giữ ngoại tệ thông thường, chính sách cần cân đối lợi ích có liên quan.
Ở đây, như trên, nắm giữ VND đang cho lợi ích lãi suất chênh cao hơn nhiều lần so với nắm USD hưởng lãi suất và chênh lệch tỷ giá. Nhưng đó là quá khứ. Đầu cơ và găm giữ ngoại tệ ngắn hạn hiện nay có kỳ vọng tiếp tục lên giá và hấp dẫn hơn nữa trong tương lai gần. Vậy nên NHNN liệu có cần định hướng kỳ vọng này, lai dắt được nó đến điểm hợp lý hay không?
Một phần câu trả lời còn gắn với bối cảnh phía trước. Fed vẫn “diều hâu”, cũng như định hướng lộ trình tiếp tục tăng lãi suất đến đầu năm 2023. Theo đó, thử thách và áp lực đối với tỷ giá, đầu cơ và găm giữ ngoại tệ với kỳ vọng phía trước, vẫn đang và sẽ là một áp lực đáng chú ý; dù rằng Fed có tăng mạnh lãi suất hơn nữa thì theo nhận định của một chuyên gia, tầm quanh 4,5%/năm vẫn không hẳn là cao trong chuỗi so sánh khoảng 70 năm qua, mà chỉ cao so với đặc thù giai đoạn nới lỏng trước tác động đại dịch vừa qua mà thôi.