VN-Index chứng kiến những phiên giảm điểm liên tiếp trong tháng 4 và đánh dấu tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng, VN-Index giảm 125,35 điểm tương đương 8,4%, kết thúc tháng ở mức 1.366,8 điểm. Thanh khoản tháng giảm 27% so với tháng trước đó và thấp hơn 21% so với trung bình 5 tháng trở lại đây.
Thị trường chứng kiến sự sụt giảm ngay từ đầu tháng và đà giảm có dấu hiệu chững lại vào giai đoạn cuối tháng. P/E VN-Index kết thúc tháng 4 ở mức 14,91 lần, giảm 8,53% so với tháng 3 và thấp hơn mức 16,4 lần P/E bình quân 5 năm. Mức P/E của VN-Index hiện đang ở mức định giá hấp dẫn khi đứng thứ 9 châu Á.
Trong gam màu u ám của thị trường chung, toàn bộ các ngành kinh doanh chìm trong sắc đỏ, trong đó dầu khí giảm mạnh nhất với chỉ số giá ngành bốc hơi 20,9%, theo sau là xây dựng & vật liệu (-19,6%) và dịch vụ tài chính (-18,1%). Sự phân hóa diễn ra mạnh mẽ diễn ra chính trong các nhóm ngành khi chứng kiến đà phục hồi vào những phiên cuối tháng.
Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước (chiếm 85% tổng giá trị giao dịch) đảo chiều bán ròng khoảng 4.700 tỷ đồng khi thị trường chứng khoán bước vào chu kỳ điều chỉnh, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước mua ròng lần lượt 3.900 tỷ đồng và 740 tỷ đồng.
Tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng cổ phiếu ngân hàng, trong khi xả mạnh nhất nhóm hóa chất
Trong tháng 4, cổ phiếu của các nhà băng tiếp tục thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 787 tỷ đồng. Dù vậy, quy mô giải ngân có phần thu hẹp so với con số hơn 1.200 tỷ đồng tháng trước đó.
Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm thép với giá trị vào ròng gần 621 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào các ngành bán lẻ (452 tỷ đồng), điện, nước, xăng dầu khí đốt (346 tỷ đồng), công nghệ thông tin (318 tỷ đồng).
Nối tiếp, hoạt động giải ngân nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là hàng cá nhân & gia dụng (272 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (192 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (83 tỷ đồng),…
Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm hóa chất với 419 tỷ đồng. Trong tháng 4, ngành hóa chất vẫn là tâm điểm bán ròng của các tổ chức nội trong bối cảnh chỉ số giá ngành giảm 12,74%, nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu 30 – 40% kể từ vùng đỉnh lịch sử.
Áp lực bán ra cũng chiếm ưu thế tại nhóm dịch vụ tài chính (414 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (242 tỷ đồng), bảo hiểm (209 tỷ đồng),…
Cổ phiếu nào được mua/bán nhiều nhất?
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tháng qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào loạt bluechips trong rổ VN30. Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 469,6 tỷ đồng. Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 512,7 tỷ đồng cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu.
Cùng với ACB, hai đại diện khác từ nhóm các nhà băng là TCB và MBB cũng được tổ chức nội gom ròng với giá trị lần lượt là 367,3 tỷ và 223,5 tỷ đồng.
Mặc dù diễn biến của phần lớn các mã ngân hàng vận động kém sắc trong tháng vừa qua, đây là nhóm ngành được kỳ vọng có câu chuyện tăng vốn trong thời gian tới. Báo cáo của các công ty chứng khoán công bố mới đây cũng cho thấy, các nhà băng được dự báo tăng trưởng nhuận sau thuế ở mức 20 - 25% năm 2022.
Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền nhóm này cũng tìm đến các đại diện nhóm bán lẻ và công nghệ như MWG (445,1 tỷ đồng), FPT (324,9 tỷ đồng) và PNJ (230,8 tỷ đồng). Lực cầu của tổ chức nội còn hướng đến các cổ phiếu ngành địa ốc như NVL (300,3 tỷ đồng), KBC (252,1 tỷ đồng) và VIC (161,4 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, mã DIG của DIC Corp chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 1.068,4 tỷ đồng, kế đó là VPB (977 tỷ đồng). Giá trị vào ròng của hai mã này bỏ xa các mã còn lại trong Top10.
Hoạt động bán mạnh cổ phiếu của DIG diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu có nhịp giảm 30% chỉ trong 1 tháng. Thị giá DGC đóng cửa phiên 29/4 ở mốc 65.000 đồng/cp.
Mới đây DIC Corp đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông năm 2022, từ đó thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,2% và 48,2% so với thực hiện trong năm 2021.
Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển công ty mẹ năm 2022 kế hoạch đạt 11.739,8 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2021. Trong đó, dùng 10.465,35 tỷ đồng đầu tư phát triển dự án và 1.274,45 tỷ đồng đầu tư tài chính.
Với VPBank, ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt 29.662 tỷ đồng, con số này vượt mức lợi nhuận của "quán quân" ngành ngân hàng năm 2021 là Vietcombank với 27.376 tỷ đồng.
Cơ sở để đạt mức lợi nhuận trên là kế hoạch tăng trưởng tín dụng 35% (còn phụ thuộc vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước) từ 384.030 tỷ lên 518.400 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng 27,4%, huy động vốn tăng 27,8%.
Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền rút khỏi chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 348,3 tỷ đồng, CTD (275,8 tỷ đồng), DGC (273,8 tỷ đồng), MIG (203,7 tỷ đồng), VHC (203,6 tỷ đồng),…