Chiều 24-12, phiên tòa xét xử vụ án AIC bước sang phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị mức án đối với 36 bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC, bị đề nghị 16-17 năm tù về tội đưa hối lộ, 14-15 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù (mức án tù có thời hạn cao nhất theo quy định).
Ngoài ra, bị cáo còn phải chịu 2/3 trách nhiệm trong việc liên đới bồi thường 152 tỉ đồng cho UBND tỉnh Đồng Nai.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt. Ảnh: BCA
Vụ án này, bà Nhàn cùng bảy bị cáo khác bị phát lệnh truy nã, xét xử vắng mặt. Để đảm bảo quá trình xét xử, tòa án chỉ định luật sư bào chữa cho bà Nhàn.
Đây cũng là tình huống hi hữu khi trong cùng vụ án có nhiều bị cáo bỏ trốn mà vẫn bị đưa ra xét xử. Vậy khi không có mặt bị cáo, luật sư sẽ bào chữa cho thân chủ như thế nào?
Tại tòa, luật sư của bà Nhàn cho hay do chủ tịch AIC bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã, đến nay chưa có kết quả nên thực tế ông không thể tiếp xúc với thân chủ để thu thập các tài liệu chứng cứ bào chữa, cũng không thể biết bà Nhàn nhận tội hay không nhận tội.
Thêm vào đó, vì xét xử vắng mặt nên bà Nhàn không thể trình bày quan điểm về các chứng cứ tài liệu đồ vật và lời khai của các bị cáo khác, không thể tự bào chữa. Một số bị cáo có vai trò quan trọng trong vụ án như Trần Mạnh Hà, phó tổng giám đốc AIC và Đỗ Văn Sơn, kế toán trưởng AIC, cũng đang bỏ trốn, do vậy việc bào chữa chỉ có thể căn cứ hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi tại tòa.
Luật sư trình bày, bản thân có nghĩa vụ tôn trọng sự thật và áp dụng mọi biện pháp theo pháp luật quy định để làm sáng tỏ các tình tiết vô tội và các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ. Tuy nhiên, như đã đề cập, với chứng cứ thu thập được và lời khai nhận tội của các bị cáo khác, ông không thể chứng minh chủ tịch AIC vô tội. Thay vào đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết để cân nhắc bà Nhàn có thực sự là chủ mưu trong hành vi vi phạm đấu thầu hay không.
Luật sư cho rằng vai trò của bà Nhàn trong hành vi này là chưa thể hiện rõ. Để thực hiện dự án tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn đã ủy quyền cho Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc AIC. Việc ủy quyền bao gồm các nội dung ký đơn dự thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng, biên bản nghiệm thu bàn giao…
Thực tế, lời khai của nhiều nhân viên tại AIC, đơn vị tư vấn hoặc thẩm định giá cho thấy Hoàng Thị Thúy Nga hoặc Trần Mạnh Hà là người trực tiếp chỉ đạo các công việc trong quá trình tham gia đấu thầu, trong khi đó dấu ấn của bà Nhàn còn khá mờ.
Với hành vi đưa hối lộ, luật sư nói không có chứng cứ nào khác ngoài các căn cứ buộc tội mà VKS đã đề cập, vì thế không tranh luận gì thêm.
Cuối cùng, luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bà Nhàn một số yếu tố như nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, nhiều thành tích trong quá trình kinh doanh… để cân nhắc hình phạt.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc lợi dụng sự quen biết với cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành, để được ưu ái tham gia dự án xây dựng BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Tiếp đó, bị cáo chỉ đạo cấp dưới thực hiện một loạt chiêu trò vi phạm pháp luật như nâng khống năng lực dự thầu, thiết lập “quân xanh”, cấu kết với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thầu và thẩm định giá… để liên tiếp trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.
Chuỗi hành vi trên gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 152 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện dự án, bị cáo Nhàn và cấp dưới tại AIC nhiều lần đưa hối lộ cho Trần Đình Thành với tổng số tiền 14,5 tỉ đồng, Đinh Quốc Thái - cựu chủ tịch UBND tỉnh 14,5 tỉ đồng và Phan Huy Anh Vũ - cựu giám đốc Sở Y tế, cựu giám đốc BV đa khoa Đồng Nai 14,8 tỉ đồng…
Theo VKS, vụ án xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai là minh họa điển hình cho yếu tố lợi ích nhóm, sự cấu kết giữa doanh nghiệp và người có chức vụ, quyền hạn. Chỉ vì lợi ích cá nhân, các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trục lợi, làm cho một bộ phận cán bộ công chức suy thoái, suy giảm lòng tin của người dân.