Nô lệ biển
Cả đám ngư dân khi vô bờ bị nhốt vào nhà, khóa trái cửa, có người canh giữ. Đó là ký ức kinh hoàng của người thanh niên bán vé số Lê Hoàng Giang, quê ở ấp Phú Hưng, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Anh Giang lớn lên trong một gia đình khốn khó, cha mẹ đều mất sớm nên 3 anh em sống nương tựa vào nhau như bầy gà lạc. Đầu tháng 5/2022, có một người lạ mặt gặp Giang, tỏ ý thương tình và hứa giới thiệu đi làm biển, “việc nhẹ, lương tới 20 củ (triệu)/tháng”. Giang đánh liều gật đầu và từ đó là những tháng ngày sa vào địa ngục.
Một ngư dân đi trên tàu cá Hồng Phúc (Kiên Giang) nhảy xuống biển trôi nổi nhiều ngày, sau đó được tàu Cảnh sát biển 2001 cứu vớt Ảnh: Hà Anh Đức
Người đàn ông “tốt bụng” đưa Giang xuống vùng biển Kiên Giang, sau đó lại đi tiếp qua tỉnh Sóc Trăng. Giang chịu đựng và quen với chuyến biển đầu tiên kéo dài tới 40 ngày, ông Bình làm thuyền trưởng khi tàu cập bờ đã lắc đầu, xua tay và nói rằng, “tiền công mấy chục triệu đó đã giao cho người dắt mối mày rồi”.
Thời gian qua có rất nhiều vụ ngư dân nhảy xuống biển. Ngày 15/9/2022, một ngư dân đi trên tàu cá 99982 TS của thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đã nhảy xuống biển mất tích khi cách bờ hơn 30 hải lý. Ngày 18/6/2019, có 3 thanh niên, quê ở huyện Krông Pắc tỉnh Đắk Lắk đi trên tàu cá Kiên Giang 91752 TS đã ôm phao nhảy xuống biển, cách đảo Hòn Khoai khoảng 20 hải lý và mất tích. Một ngư dân từng là nạn nhân phàn nàn việc nhiều tờ báo lại đăng tin “giận chủ tàu ngư dân nhảy xuống biển!”. |
Tưởng vậy sẽ được tự do mà đi, nhưng ngày 12/7, Giang và một ngư dân tên Nghĩa được đưa lên bờ, bị nhốt trong một căn phòng, khóa cửa ngoài. Vài ngày sau, 2 “nô lệ biển” được xe ô tô chở xuống thành phố Vũng Tàu và lúc đó Giang hiểu, mình đã bị bán sang tay một cò ngư dân khác.
Cả 2 thanh niên tiếp tục bị “cột” thêm bằng cách phải lăn tay vào giấy xác nhận “đã cầm 25 triệu tiền công đi biển”, sau đó cả 2 bị đẩy lên 2 tàu cá làm nghề giã cào.
Sự việc vỡ lở, Công an huyện Long Điền nhận được báo cáo của Bộ đội biên phòng, trong đó cho biết, cặp tàu chở anh Giang là tàu BV 5860 TS của ông Nguyễn Thái Hiệp (SN 1969, thường trú tại địa chỉ 666/15F Trần Phú, phường Thắng Nhì) làm chủ, thuyền trưởng là ngư dân Trần Văn Luận; và tàu BV 8560 TS do ông Trần Văn Lung là người địa phương làm chủ tàu, kiêm thuyền trưởng.
Đối với người bán vé số, những ngày trên con tàu này giống như địa ngục, cảnh đánh đập ngư dân diễn ra thường xuyên, người lao động phải làm việc quần quật trên 2 chiếc tàu làm nghề lưới giã cào, cả ngày và đêm chỉ được ngủ 2-3 giờ. Trong lúc cùng quẫn, Giang quyết định ôm phao nhảy xuống biển, thà chết còn hơn tiếp tục trở thành nô lệ nghề biển.
Ngày 23/8, tại tọa độ 06 độ 54 phút N-112 độ 24 phút E, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5103 vớt được anh Giang, sau đó bàn giao lại cho Cảnh sát biển Việt Nam. Khi vụ việc được Bộ đội biên phòng xới tung, tiến hành điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Công an để mở rộng điều tra.
Lộ ra đường dây
Ông Hiệp, chủ tàu chở Giang đi biển đã bị Bộ đội biên phòng triệu tập lấy lời khai để chuyển hồ sơ cho công an huyện Long Điền. “Đây là ngư dân đi biển tự nguyện, hay bị ép buộc?”, khi bị Bộ đội biên phòng hỏi dồn, ông Hiệp chủ tàu đã khai nhận là ông Danh Hạnh (SN 1980, địa chỉ thường trú 329/1A Trần Khánh Dư, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) giao xuống tàu đi biển 4 tháng, số tiền ứng trước là 25 triệu đồng đã giao cho ông Danh Hạnh “giữ hộ”. Vậy, Danh Hạnh chính là kẻ đã lừa phỉnh chàng thanh niên bán vé số tội nghiệp, đẩy anh vào con đường cùng.
Bộ đội biên phòng đã mời nhiều người có liên quan lên để ghi lời khai, sau đó có báo cáo và xác định: “Anh Giang bị ép đi biển và chưa hề được trả tiền công; các đối tượng đưa anh Giang đi từ tỉnh này sang tỉnh khác không có sự đồng ý, thỏa thuận của anh Giang”.
Có rất nhiều đường dây môi giới, mua bán ngư dân bị Bộ đội biên phòng phanh phui và chuyển giao cho công an huyện Long Điền, trong đó có lời khai của cò. Ông Nguyễn Văn Đời (SN 1987, trú tại 951/4 Nguyễn Trung Trực, phường An Bình Dương, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cũng đã khai nhận với Đồn biên phòng Bến Đá về việc, những thanh niên bị lùa xuống tàu đi biển được nhận từ các xe ôm ở bến xe An Sương, Miền Tây TPHCM.
Hầu hết các đối tượng cò ngư dân đều phủ nhận việc giam giữ ngư dân để lùa xuống tàu đi biển. Nhưng những ngư dân bị rơi vào tay cò đều khai rằng, vừa tới nơi là bắt viết giấy nhận nợ, sau đó họ không cho đi đâu và nói, giữ ở nhà để khỏi bỏ trốn.
Lời khai của anh Giang và một số nạn nhân khác đều nhắc đến cảnh có lúc chủ tàu né tránh Trạm kiểm soát biên phòng bằng cách sử dụng đò ngang để chở ngư dân ra tàu. Ở thành phố Vũng Tàu, ngư dân hay bị đưa tắt ra từ bến Sao Mai.
Tuyển cả người tâm thần
Ngày 1/3, một người đàn bà tội nghiệp tên là Trần Thị Kim Thoa (SN 1971, trú tại 60/9/3 khu phố 6, đường số 2, Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, quê ở Bến Tre) đã tìm tới Bộ đội biên phòng ở thành phố Vũng Tàu để nhờ tìm con.
Chị cho biết, con trai chị là Bùi Đức Thịnh, sinh năm 1992 bị bệnh tâm thần phân liệt đang điều trị ngoại trú, từ ngày 4/2/2022 bị mất tích và bây giờ đột nhiên điện thoại và nói “con đang ở giữa biển, trên tàu cá ở Vũng Tàu, mẹ đi cứu con!”.
Giấy ghi nợ của bệnh nhân tâm thần Bùi Đức Thịnh. Ảnh: Hà Anh Đức
Chị Thoa gọi ngược lại thì số điện thoại trên bị khóa. Câu nói hớt hải của cậu con trai tâm thần khiến lòng chị rối bời vì sợ chủ tàu cá sẽ hành hung. Bộ đội biên phòng ngay lập tức xác minh, thông báo cho các tàu, sau đó nạn nhân được trả về qua tàu hậu cần BV 99399 TS. Ông Dương Văn Sơn chủ tàu hậu cần cho biết, mình được tàu cá BV 91999 TS gởi nhờ ngư dân vào bờ vì không có khả năng làm biển. Ông Nguyễn Duy Ánh (SN 1972, trú tại địa chỉ 98/5 Bạch Đằng, phường 5, thành phố Vũng Tàu) là chủ tàu đã đưa Thịnh đi biển.
Trước khi quay trở lại TPHCM, Thịnh đã nói rằng “chủ tàu hiền lành, không bị đánh đập gì, tự nguyện đi xuống Vũng Tàu và xin đi biển…”. Nhưng cảm giác về lời khai của Thịnh vẫn còn điều gì khuất tất, vì nạn nhân từng bị bắt viết giấy nhận nợ 6,5 triệu đồng...
(Còn nữa)