Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) hiện nay đang điều hành ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines (tên cũ là Jetstar Pacific Airlines) và Vasco. Tại ngày 31/12/2021, tỷ lệ sở hữu của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines là 68,85%.
Cổ đông lớn thứ hai của Pacific Airlines với tỷ lệ sở hữu 30% là Qantas Group – tập đoàn quản lý hãng hàng không quốc gia Qantas Airways của Australia.
Từ năm 2020, giữa những khó khăn của dịch COVID-19, Qantas đã có ý định thoái hết vốn khỏi Pacific Airlines, nhưng không phải bằng cách bán 30% số cổ phần nói trên mà tặng lại toàn bộ cho Vietnam Airlines.
Trong quý I/2022, Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đã ban hành nghị quyết về việc tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Qantas Asia Investment Company tại Pacific Airlines. Sau khi nhận số cổ phần mà Qantas tặng, Vietnam Airlines sẽ kiểm soát tới gần 99% vốn của Pacific Airlines.
Mới đây Vietnam Airlines cho biết tổng công ty sẽ triển khai việc tái cơ cấu và thoái vốn tại Pacific Airlines. Đồng thời, ban lãnh đạo tổng công ty cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ hoạt động của Pacific Airlines.
Việc nhận vốn do Qantas tặng được gắn liền với quá trình tìm kiếm nhà đầu tư và vẫn đang vướng mắc về một số thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai. Vietnam Airlines coi việc chậm trễ trong tìm kiếm được nhà đầu tư là một trong những rủi ro trong quá trình thoái vốn và tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines.
Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines hiện nay có vốn điều lệ 3.522 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong các hãng hàng không Việt Nam.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Pacific Airlines khai thác 3.720 chuyến bay, tỷ lệ đúng giờ cao thứ 2 toàn ngành.
Vietnam Airlines tiếp tục bán bớt tài sản
Trước khi thoái vốn Pacific Airlines, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã thoái 35% vốn khỏi Cambodia Angkor Air (K6) – hãng hàng không quốc gia của Campuchia.
Vietnam Airlines cho biết đã nhận 35 triệu USD sau khi chuyển nhượng 35% vốn của K6 trong quý I năm nay, bao gồm 34 triệu USD mới nhận và 1 triệu USD đặt cọc từ trước.
“Quá trình giải quyết thoái vốn có nhiều vướng mắc cần được giải quyết về mặt chính sách và thủ tục nên đã ảnh hưởng tới tiến độ lập và ban hành báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Tổng Công ty”, Vietnam Airlines cho hay.
Khoản thu từ thoái vốn K6 đã giúp Vietnam Airlines giảm thua lỗ và tránh âm vốn chủ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Để cải thiện căn bản hoạt động trong thời gian tới, tổng công ty đã lập đề án tái cơ cấu tổng thể và trình các cấp phê duyệt. Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành tái cơ cấu khối dịch vụ theo hướng dừng hoạt động các trung tâm khai thác (OC) và thành lập trung tâm khai thác sân bay ASOC hoạt động từ 1/5/2022.
Tổng công ty cũng điều chỉnh, sáp nhập các phòng ban trong đoàn tiếp viên; tái cơ cấu khối thương mại theo hướng sáp nhập ba chi nhánh khu vực trong nước ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam thành một chi nhánh Việt Nam, dự kiến hoạt động từ 1/7/2022.
Hội đồng quản trị Vietnam Airlines ngày 29/10/2021 đã ban hành phương án và kế hoạch bán 6 tàu bay cánh quạt ATR72 sản xuất năm 2009 – 2010. Tuy nhiên, do thị trường tàu bay chưa thuận lợi nên đến tháng 6 năm nay, Vietnam Airlines vẫn chưa hoàn tất việc bán các tàu bay nói trên.
Trong những tháng còn lại của năm 2022, tổng công ty sẽ tiếp tục tìm các giải pháp phù hợp để bán 6 chiếc ATR72, kể cả theo hình thức bán và thuê lại (sale and leaseback – SLB) tùy theo tình hình thị trường và nhu cầu khai thác sau COVID-19.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 đã phê chuẩn kế hoạch bán 5 tàu A321 CEO sản xuất năm 2004 – 2005. Thực tế Vietnam Airlines đã bán ba tàu vào năm 2020 và hai tàu vào năm 2021.
Đại hội thường niên năm 2020 đồng ý bán 9 tàu A321 CEO sản xuất năm 2007 và 2008. Vietnam Airlines đã nỗ lực bán hai lần trong năm 2021 nhưng không thành công. Trong năm 2022 này, tổng công ty đang triển khai nghiệp vụ bán rồi thuê lại (SLB) hai tàu mang số hiệu VN-A353 và VN-A354 sau khi chuyển đổi cấu hình sang tàu chở hàng. Vietnam Airlines sẽ bán tiếp 7 tàu còn lại trong thời gian tới.
Việc thanh lý các tàu bay nói trên sẽ giúp Vietnam Airlines có thêm nguồn thanh khoản để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trong thời gian tới.
Đơn vị kiểm toán độc lập là Deloitte Việt Nam cho biết Vietnam Airlines đang đối mặt với nhiều vấn đề về tình hình tài chính như: Nợ ngắn hạn tại ngày cuối năm 2021 lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỷ đồng, phải trả quá hạn 15.779 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỷ.
“Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê”, Deloitte lưu ý.
Kết phiên hôm nay 22/6, giá cổ phiếu HVN tăng 2,7% lên 15.350 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa gần 34.000 tỷ đồng.
Ngày 28/6 tới đây, đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines sẽ bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị. Ứng viên duy nhất tới thời điểm này là ông Hiroyuki Kometani, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc chiến lược tập đoàn và sáng tạo tương lai của ANA Holdings.
ANA Holdings là tập đoàn sở hữu hãng hàng không 5 sao của Nhật Bản là All Nippon Airways. Hiện nay ANA Holdings là cổ đông lớn nước ngoài duy nhất, đang sở hữu 5,6% vốn của Vietnam Airlines.
Nếu như Qantas tặng cho Vietnam Airlines 30% cổ phần tại Pacific Airlines thì ANA Holdings tặng quyền mua 70 triệu cổ phiếu HVN với giá ưu đãi cho hơn 13.000 cán bộ nhân viên Vietnam Airlines.