Tài chính

Tin vui cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản: Một thay đổi lịch sử có thể giúp đồng Yên tăng giá trong thời gian tới

Tin vui cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản: Một thay đổi lịch sử có thể giúp đồng Yên tăng giá trong thời gian tới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đồng Yên có thể tăng giá trong thời gian tới

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 19/3 thông báo nâng các mức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân lên 0-0,1%, thay vì mức âm 0,1% như trước. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, Ngân hàng trung ương Nhật Bản nâng lãi suất, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 cơ quan này chấm dứt chính sách lãi suất âm. Dù vậy, mức lãi vẫn duy trì quanh 0%, do đà phục hồi kinh tế mong manh.

Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trên thế giới bỏ lãi suất âm, chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

"Động thái này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Tuy nhiên, tác động thực tế lên nền kinh tế không nhiều. Lãi cho vay và mua nhà khó tăng mạnh", Izumi Devalier - Giám đốc nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Bank of America Securities nhận xét.

Phản ứng sau quyết dịnh của BOJ, đồng Yên đã giảm xuống còn 151 JPY đổi 1 USD - mức thấp nhất trong 4 tháng. Việc đồng Yên yếu đi cho thấy thị trường đã dự báo được quyết định của BOJ từ lâu và phản ánh vào tỷ giá trước đó. Vì thế, khi cơ quan này thực sự nâng lãi suất, giá yên không tăng mà còn giảm khi các nhà đầu cơ thực hiện chốt lời. Trước đó, đồng Yên đã tăng gần 8% so với đồng USD trong 2 tháng cuối năm 2023 trong bối cảnh thị trường kỳ vọng BOJ sẽ sớm tăng lãi suất.

Giới phân tích dự báo đồng Yên sẽ sớm lấy lại đà tăng bởi động thái tăng lãi suất của một Ngân hàng trung ương thường sẽ thúc đẩy đồng tiền quốc gia đó tăng giá.

Đồng Yên đã mất khoảng 30% giá trị so với đồng đô la trong giai đoạn 2021 - 2023, mức mất giá mạnh hơn hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực, khi BOJ giữ lãi suất cực thấp còn hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới liên tục tăng lãi suất. Lợi suất bên ngoài Nhật Bản cao hơn đã khiến đồng tiền nước này giảm giá. Tuy nhiên, diễn biến này có thể đảo chiều sau quyết định tăng lãi suất lịch sử của BOJ trong ngày 19/3.

Khảo sát hồi cuối năm 2023 của Bloomberg cho thấy, các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ kỳ vọng chu kỳ giảm giá quá mức của đồng Yên trong 3 năm qua sẽ kết thúc vào năm 2024 khi BOJ tăng lãi suất trở lại trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác như Fed và ECB sẽ bước vào giai đoạn giảm lãi suất.

Mức trung bình của các dự báo tổng hợp chỉ ra rằng đồng tiền của Nhật Bản sẽ mạnh lên mức 135 Yên đổi 1 USD vào cuối năm 2024 khi khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản thu hẹp.

Tin vui cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản: Một thay đổi lịch sử có thể giúp đồng Yên tăng giá trong thời gian tới- Ảnh 2.

Đồng USD liên tục tăng giá so với Yên Nhật trong giai đoạn 2021 - 2023 (Nguồn: Trading Economic)

Steven Barrow, người đứng đầu chiến lược G-10 tại Standard Bank có trụ sở tại London, nhận định đồng Yên sẽ tăng giá trong dài hạn. Ông cũng trích dẫn những thay đổi tích cực ở Nhật Bản bao gồm việc chấm dứt tình trạng giảm phát và thị trường chứng khoán hồi phục sẽ ảnh hưởng tích cực lên đồng tiền này.

Daisuke Karakama, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Ngân hàng Mizuho, cũng dự đoán một đợt phục hồi và ước tính đồng Yên sẽ đạt khoảng 132 JPY/USD vào cuối năm 2024.

Yujiro Goto, người đứng đầu chiến lược FX Nhật Bản tại Nomura Securities, cho biết: "Fed và ECB có thể bắt đầu thực hiện cắt giảm lãi suất vào khoảng tháng 6, hỗ trợ cho xu hướng tăng giá của đồng Yên. Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sẽ tạo cơ hội cho của đồng tỷ giá USD/JPY di chuyển về khu vực 130- 135 Yên đổi 1 USD, trong khi kịch bản nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm có thể hạn chế mức giảm của cặp tiền này xuống khoảng 140 Yên đổi 1 USD."

Người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ hưởng lợi nếu đồng Yên tăng giá

Với dân số già hoá nhanh, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới - đang khát nhân lực nước ngoài hơn bao giờ hết, từ các ngành kỹ thuật, dịch vụ cho đến thu hoạch nông sản. Theo Nikkei Asia, lao động Việt Nam trong năm 2023 đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất ở Nhật.

Tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong 5 năm đã tăng 40,3%, đạt mốc 2,05 triệu người tính đến tháng 10/2023. Trong đó, lao động Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất, với 518.364 người.

Trong giai đoạn 2021 – 2023, cùng với đà lao dốc so với USD, đồng Yên Nhật cũng đã mất gần 23% giá trị so với tiền Đồng của Việt Nam. Đồng Yên giảm giá không chỉ khiến người lao động Việt Nam tại Nhật Bản gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống như trước mà còn "bào mòn" số tiền họ chắt chiu gửi về quê.

Tin vui cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản: Một thay đổi lịch sử có thể giúp đồng Yên tăng giá trong thời gian tới- Ảnh 3.

Đồng Yên mất giá mạnh so với VND trong giai đoạn 2021 - 2023 (Nguồn: Trading Economic)

Với triển vọng tích cực về việc chấm dứt chính sách lãi suất âm tại Nhật Bản, người lao động Việt Nam tại Nhật Bản được cho là sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi này khi không chỉ có thể nhận được mức lãi suất tiền gửi cao hơn khi gửi tiền ở Nhật mà còn có thu nhập cao hơn khi quy đổi về tiền Đồng nếu đồng Yên tăng giá,.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng đang tập trung vào việc tăng lương cho người lao động như một yếu tố mới để hỗ trợ tiêu dùng. Trong đó, các nhà tuyển dụng Nhật Bản đang có xu hướng đưa ra mức lương cao hơn để tiếp tục thu hút người lao động nước ngoài.

Cụ thể lương cơ bản hàng tháng cho các thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài (với khoảng một nửa trong số đó đến từ Việt Nam), tăng 8% trong năm 2022, đạt 177.800 Yên (hay 1.200 USD, gần 30 triệu đồng).

Nhiều lao động Việt Nam trong số này tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật. Chương trình được thiết kế nhằm giúp chuyển giao kỹ năng làm việc kỹ thuật cho các nước đang phát triển.

Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tăng hơn gấp đôi giới hạn tiếp nhận lao động có tay nghề cao trong giai đoạn 5 năm tới, từ năm tài khóa 2024. Theo đó, số lao động nước ngoài có tay nghề có thể tăng từ 345.000 người hiện nay lên 800.000 người nhằm giảm bớt áp lực thiếu lao động trong nước. Lao động có tay nghề sẽ được tuyển dụng theo 16 lĩnh vực, bao gồm cả 4 lĩnh vực mới bổ sung là: đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và chế biến gỗ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm