Lý lịch của nữ nghi phạm bắt cóc bé gái 2 tuổi
Giáp Thị Huyền Trang (ảnh nhỏ) và nhà của gia đình đối tượng
Ngày 21/9, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an tỉnh Hưng Yên cùng lực lượng chức năng truy tìm nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang (SN 1996, trú xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), là nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi ở một khu đô thị tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Công an bước đầu xác định, Trang được gia đình bé gái trên thuê để đón cháu hằng ngày từ trường mẫu giáo về nhà vào mỗi buổi chiều. Trong quá trình làm việc, Trang đã bắt cóc rồi sát hại nạn nhân.
Cũng trong ngày 21/9, Công an Bắc Giang đã làm việc với gia đình Trang. Tuy nhiên, đối tượng không có mặt tại địa phương.
Về nhân thân nghi phạm, một lãnh đạo xã Việt Ngọc (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, Trang chưa lập gia đình, cũng chưa có tiền án, tiền sự. Gia đình nữ nghi phạm kinh tế khó khăn.
Cũng theo vị lãnh đạo xã này, Trang tốt nghiệp một trường sư phạm. Tuy nhiên, Trang sau đó đi làm công nhân. "Qua nắm tình hình ban đầu, Trang có vướng vào nợ nần trong thời gian ở địa phương"- vị lãnh đạo xã thông tin.
Diễn biến ngày đầu xét xử bà Nguyễn Phương Hằng
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng
Sáng nay (21/9), TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, quê An Giang; Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) và 4 đồng phạm lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các đồng phạm gồm ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, cựu giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM), Nguyễn Thị Mai Nhi (cựu trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (cựu nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (cựu Trưởng Phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam).
Sau khi xét hỏi đủ 5 bị cáo, HĐXX cho mời gọi người có nghĩa vụ và quyền lợi tham gia xét hỏi.
Trả lời HĐXX, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng rút yêu cầu bà Hằng bồi thường hàng chục tỷ đồng, ca sĩ Vy Oanh và một số người bị bà Hằng xúc phạm cũng không yêu cầu bồi thường vật chất... mà chỉ yêu cầu xin lỗi công khai. Tuy nhiên, khi xin HĐXX 5 phút để suy nghĩ, bà Hằng đã từ chối nói lời xin lỗi.
Vợ chồng Công Vinh, Thủy Tiên vắng mặt, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công Vinh, Thủy Tiên tại tòa yêu cầu bà Hằng bồi thường về mặt vật chất là 2 tỷ đồng, tổn thất tinh thần là 14,9 triệu đồng.
Đến chiều cùng ngày, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng từ 3-4 năm tù về lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Anh Quân bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù. Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cùng bị đề nghị mức án từ 1 năm 6 tháng tù đến 2 năm tù.
Nguyên Phó Vụ trưởng của Bộ Công Thương bị Bắt tạm giam
Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Lộc An, Trần Trác Việt Đức, Đỗ Thị Tuyết Nga.
Ngày 21/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty cổ phần Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt (Công ty Bách Khoa Việt) và các đơn vị có liên quan.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bộ Công thương, Công ty Bách Khoa Việt và các đơn vị liên quan; đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 người.
3 người bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Nguyễn Lộc An (SN 1965) Chuyên viên Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) về tội Nhận hối lộ.
Trần Trác Việt Đức (SN 1990) Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt và Đỗ Thị Tuyết Nga (SN 1979) Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt, cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tìm ra độc tố có trong bánh mì Phượng làm gần 150 người bị ngộ độc
Tất cả bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng đã xuất viện. Ảnh: TN
Chiều 21/9, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, Viện Pasteur Nha Trang vừa thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm liên quan đến vụ gần 150 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng tại TP Hội An.
Kết quả kiểm nghiệm thể hiện, trong mẫu chả heo phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL.
Mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; mẫu xíu mại phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; thịt heo xíu mại phát hiện Salmonella.
Vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Khuẩn Bacillus cereus từng gây ra nhiều vụ ngộ độc trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Ông Mười cho biết thêm, đến nay tất cả ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng đã xuất viện.
BHYT chi trả hơn 1 tỉ đồng cho một học sinh ở TP HCM
Cả nước có 18,8 triệu HSSV tham gia BHYT
BHXH Việt Nam cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã chi trả khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên (HSSV) khoảng 2.174 tỉ đồng với hơn 5,2 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB).
Trước đó, thống kê năm 2022 cho thấy, cả nước có khoảng 3,5 triệu HSSV đi KCB BHYT với gần 7,4 triệu lượt. Số tiền được quỹ BHYT chi trả là 3.142 tỉ đồng.
Một số trường hợp HSSV được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn (trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023) như sau:
Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là 1,07 tỉ đồng (trong năm 2022) sinh năm 2006 (ở TP HCM) với chẩn đoán bệnh chính là "bệnh của hốc mắt, viêm cơ tim cấp, di chứng tổn thương nội sọ".
Một trường hợp khác cũng được quỹ BHYT chi trả 1,04 tỉ đồng (trong đó năm 2022 được chi trả 0,66 tỉ đồng, 8 tháng đầu năm 2023 được chi trả 0,38 tỉ đồng) sinh năm 2014 (ở Hà Nội) chẩn đoán bệnh chính là "gan xơ hóa, viêm đường mật, teo đường mật…".