Trong báo cáo chiến lược năm 2023 vừa công bố, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng có nhiều kỳ vọng rằng lạm phát Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) quý IV/2022 của Mỹ sẽ thấp hơn dự báo của Fed. Đây có thể là tín hiệu đầu tiên giúp vực dậy tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam. Điều này, cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại gần đây, có thể giúp sớm thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.
Các chuyên gia tại đây kỳ vọng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Trước đại dịch COVID-19, xuất khẩu ròng đóng góp khoảng 5–6% GDP. Xuất khẩu năm 2022 tăng 10,6% so với cùng kỳ đạt 371,85 tỷ USD; tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu đã giảm tốc đáng kể từ tháng 9 (chủ yếu đến từ thị trường Mỹ và EU).
Tăng trưởng thương mại quốc tế năm 2023 vẫn tiếp tục chậm lại do kinh tế toàn cầu đang xấu đi, rủi ro địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn. Theo S&P Global, việc tiền đồng mất giá dẫn đến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn, trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu kém khả quan. Điều này cũng được phản ánh qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã chậm lại đáng kể từ tháng 10/2022.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2023, khối phân tích nhận định trong bối cảnh toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Việt Nam có thể sẽ ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng.
Theo kế hoạch của Chính phủ, lạm phát được đặt mục tiêu kiểm soát khoảng 4,5% vào năm 2023, trong khi tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến sẽ ở mức 6,5%.
Các chuyên gia tại đây cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; điều này tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.
Với sự ổn định vĩ mô tốt hơn, Mirae Asset kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,2%−6,7% vào năm 2023 và trung bình 7,3% trong giai đoạn 2023-2025, với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp cho sự chững lại trong tăng trưởng tiêu dùng, cũng như sự chậm lại của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.
Khối phân tích cũng dự báo tăng trưởng bán lẻ năm 2023 có thể chững lại khi so sánh với mức nền cao của năm 2022.
Tiêu dùng tư nhân, đóng góp khoảng 55% GDP danh nghĩa, sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính. Năm 2022, tiêu dùng nội địa tăng khá mạnh (từ mức thấp của năm 2021), với tổng mức bán lẻ tăng khoảng 20% so với cùng kì (nếu trừ lạm phát, tăng 15,6% so với cùng kỳ).
"Trong năm 2023, tăng trưởng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ chững lại do áp lực lạm phát, điều kiện tài chính thắt chặt (ví dụ như lãi suất cho vay tăng và mức chi trả nợ cao hơn), cũng như rủi ro thất nghiệp gia tăng sẽ gây áp lực lên tiêu dùng trong nước", báo cáo cho biết.
Ngoài ra, điểm sáng năm nay sẽ từ ngành du lịch. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, có tác động lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp gần 10% GDP (năm 2018-2019) và giải quyết việc làm cho khoảng 1,3 triệu người.
Vì vậy, sự trở lại của ngành du lịch được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mới cho mảng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống nói riêng.