Chốt tuần ngày 15/5, giá vàng SJC do Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 68,7 - 69,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); Tại công ty VBĐQ SJC là 68,5 - 69,5 triệu đồng/lượng. So với cách đây 1 tuần, giá vàng hiện giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng và là lần đầu tiên rơi xuống dưới mốc 70 triệu đồng/lượng sau một thời gian dài neo ở mức đỉnh cao này.
Trên thị trường thế giới, vàng đã giảm giá gần 4% trong tuần qua, là tuần giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm nhiều nhất trong vòng gần 1 năm trở lại đây, với vàng giao ngay kết thúc tuần ở mức 1.808,89 USD/ounce; Giá vàng kỳ hạn tháng 6/2022 kết thúc tuần ở mức 1.808,20 USD. So với tuần trước, giá vàng thế giới giảm trên 70 USD/ounce.
Với mức giá quanh 1.808 USD/ounce, quy đổi, vàng thế giới hiện tương đương mức 50,7 triệu đồng/lượng. Như vậy, vàng SJC vẫn "vênh" giá thế giới tới trên 18 triệu đồng mỗi lượng.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực đang le lói xuất hiện đó là giá vàng trong nước đã điều chỉnh với biên độ mạnh hơn, dù chưa thể làm cho vàng giảm bớt khoảng cách cao kỷ lục, nhưng cũng là tín hiệu tích cực để kỳ vọng vàng Việt Nam trở nên gần hơn với vàng thế giới, qua đó góp phần giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư cũng như giảm bớt thiệt thòi cho những người muốn nắm giữ vàng lâu dài.
Vì sao giá vàng Việt Nam đắt hơn thế giới tới 30%
Việc neo giá cao tới hơn 30% so với giá vàng quốc tế đang khiến cho vàng SJC của nước ta trở nên đắt nhất thế giới.
Việc khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới doãng rộng được các chuyên gia lý giải là do vấn đề nguồn cung. Cụ thể, vàng là hàng hoá doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được nên phải nhập khẩu. Bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm...Bên cạnh đó, khi nguồn cung vàng khan do Nghị định số 24 (Nhà nước độc quyền vàng), doanh nghiệp trong nước không dễ gì giảm mạnh theo đà của thế giới, do đó, giá thế giới lao dốc là thời điểm càng khiến chênh lệch giá trong và ngoài nước nới rộng.
Trong đó, lý do về độc quyền vàng được phân tích nhiều hơn. Như ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) từng chia sẻ với truyền thông rằng, thị trường vàng trong nước không dao động cùng chiều so với thế giới có nguyên nhân từ Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Nghị định này đã khiến thị trường vàng trong nước trở thành một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, chuỗi cung ứng vàng miếng bị đứt đoạn vì thuộc phạm vi độc quyền của Nhà nước. Các doanh nghiệp vàng lớn đều phải mua được vàng mới có thể bán ra, trường hợp không mua được đủ lượng vàng, doanh nghiệp buộc phải neo giá bán cao.
Thực tế, giá vàng SJC trên thị trường hiện nay đang cao hơn rất nhiều so với vàng "phi" SJC. Chẳng hạn vàng nguyên liệu 9999 ở DOJI chỉ dao động quanh 54 triệu đồng/lượng, tức rẻ hơn vàng SJC tới gần 15 triệu đồng mỗi lượng, trong khi vàng thương hiệu PNJ của VBĐQ Phú Nhuận cũng chỉ quanh 54 - 55 triệu đồng/lượng.
Áp lực giảm giá vô cùng lớn
Trở lại với xu hướng giá vàng, trong 4 tuần qua, vàng thế giới giảm liên tục và đang ở mức thấp nhất gần 1 năm. Giá vàng giảm mạnh do áp lực bán tháo của nhà đầu tư bất chấp lạm phát nóng lên ở mọi nơi. Theo ông Chris Vecchio, nhà phân tích cấp cao của DailyFX.com, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, buộc Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ. Cuối cùng, lãi suất thực tế sẽ tăng lên, và đó là một tin xấu đối với vàng. Ông thậm chí tin rằng vào cuối năm, giá vàng có thể xuống dưới 1.700 USD.
Riêng trong tuần qua, vàng cũng được sử dụng cho mục đích thanh khoản, trong bối cảnh chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh. Chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins cho biết, sự sụt giảm của giá vàng là do các nhà đầu tư bù lỗ ở các thị trường khác, đặc biệt là những khoản lỗ lớn đã thấy trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
"Vàng là một trong những thứ dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt nhất trong thời điểm thị trường chứng khoán khó khăn. Nhìn vào tuần tới, giá vàng còn có thể giảm hơn nữa và nếu giá vàng giảm phá vỡ mốc 1.800 thì có nguy cơ bị bán tháo mạnh hơn" - ông khuyến cáo.