Tài chính

Tín dụng xanh - "bà đỡ" trong phát triển nông nghiệp

Các ngân hàng đã và đang hướng đến áp dụng các gói giải pháp tín dụng xanh với nhiều ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai những dự án nông nghiệp nông thôn có yếu tố "xanh".

Tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh của Việt Nam

Kết thúc năm 2022, toàn bộ các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp, nông thôn đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Những mô hình sản xuất kinh doanh mới mang hiệu quả cao giúp người nông dân, doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, cải thiện thu nhập nhờ ứng dụng kỹ thuật cao.

Bên cạnh những thành công đạt được, ngành nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững; giải quyết chưa triệt để lượng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… gây ra các rủi ro, nguy hại đối với môi trường, khiến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng chưa cao, giá trị xuất khẩu thấp, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn hạn chế.

Để cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh hóa và bền vững, cần thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất lớn, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách xanh hóa ngành nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu "kép" là tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Vai trò "bà đỡ" trong xanh hóa ngành nông nghiệp

Để phát triển nền nông nghiệp xanh hướng tới đạt mục tiêu "kép", thì cần có những chính sách ưu tiên đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Trong đó, các giải pháp về tín dụng đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo lập và kết nối các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp từ đầu vào cũng như đầu ra, từ đó gia tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2015 – 2022, dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng lên gần 500 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng quy mô tín dụng xanh thì có tới gần 50% nguồn vốn tín dụng đang tập trung cho các dự án nông nghiệp xanh.

"Khi đã triển khai những chương trình tín dụng xanh thực sự có hiệu quả, thể hiện cam kết rõ nét của Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn lực nước ngoài tài trợ cho các dự án đó."- Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết. NHNN cũng đã và đang thúc đẩy các ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thủ tục, lãi suất, thời gian vay, nguồn vốn trung dài hạn trên cơ sở khả năng vốn của từng ngân hàng.

Là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân hướng dòng vốn đầu tư vào những lĩnh vực xanh nhiều nhất, tỷ trọng tín dụng xanh tại Ngân hàng SHB hiện đã lên tới hơn 10% trên tổng danh mục cho vay và tăng trưởng ngày càng nhanh, phát huy hiệu quả rõ rệt góp phần tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Từ rất sớm SHB đã hợp tác với các đối tác quốc tế như WB, IFC, ADB… và hiện đang tiếp tục tăng cường để tìm kiếm nguồn vốn trung dài hạn ưu đãi tài trợ cho tín dụng xanh cũng như các tư vấn về an toàn, kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho khách hàng và SHB trong việc thực hiện, tài trợ có hiệu quả các dự án xanh.

Tín dụng xanh - bà đỡ trong phát triển nông nghiệp - Ảnh 1.

Tỷ trọng tín dụng xanh tại SHB hiện đã lên tới hơn 10% trên tổng danh mục cho vay và ngày càng tăng trưởng nhanh chóng

SHB cũng là ngân hàng đi đầu cho vay tài trợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo chuỗi liên kết "từ cánh đồng đến bàn ăn", từ khâu phục vụ nuôi trồng, thu mua sản xuất chế biến đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. SHB cho vay tài trợ chuỗi lúa gạo khép kín, góp phần liên kết giữa hàng trăm nghìn hecta vùng nguyên liệu, hàng chục nghìn hộ dân, hợp tác xã ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp.

Đồng thời, SHB tài trợ cho các dự án nhà máy sản xuất, chế biến gạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các chuẩn mực khắt khe của thế giới về an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao giá trị gạo Việt Nam. Tiêu biểu là Dự án Nhà máy gạo Hạnh Phúc – nhà máy gạo quy mô lớn nhất châu Á có diện tích 161.000m2 tại An Giang đã hoàn thành xây dựng và khánh thành, đi vào hoạt động từ tháng 01/2022. Nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ và trang thiết bị hiện đại từ châu Âu, đảm bảo đáp ứng chuẩn mực các yêu cầu khắt khe nhất thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường, đúng theo những tiêu chí về phát triển bền vững của WB.

Tín dụng xanh - bà đỡ trong phát triển nông nghiệp - Ảnh 2.

Nhà máy gạo Hạnh Phúc – nhà máy gạo quy mô lớn nhất châu Á là một trong những dự án do SHB tài trợ

"Với việc tham gia tài trợ các dự án nông nghiệp xanh, SHB góp phần hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp có nguồn vốn để phát triển các dự án, các sản phẩm xanh và sạch. Lợi ích đầu tiên đem lại là giúp cho người dân Việt Nam được hưởng các sản phẩm xanh và sạch, hai là gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt phát triển, mở rộng sang thị trường quốc tế." – Tổng Giám đốc SHB cho biết.

Chiến lược tăng trưởng tín dụng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về phát triển bền vững của SHB. Thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục dành nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm xanh hóa lĩnh vực này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm