Doanh nghiệp

"Một cục diện tích cực hơn sẽ diễn ra đối với ngành tiêu dùng, bán lẻ trong nửa cuối năm 2023"

Theo báo cáo ngành của Chứng khoán BSC, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 5,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2021 với tất cả các nhóm ngành đều phục hồi trên mức nền thấp của năm trước và mức tăng giá chủ yếu đến từ giá nhiên liệu, giá nhà ở và vật liệu xây dựng, giá lương thực thực phẩm.

Bên cạnh đó, yếu tố góp phần kiềm chế mức tăng giá chung của nền kinh tế năm 2022 nhờ giá thịt lợn giảm gần 11%.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng đã có dấu hiệu chững lại từ cuối quý III/2022 và suy giảm giai đoạn cuối quý IV đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh  của hầu hết các doanh nghiệp.

Năm 2023 được nhận định là một năm khó lường khi những khó khăn từ nhu cầu suy yếu và tồn kho cao dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực đến kết quả kinh doanh của nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ trong nửa đầu năm 2023.

Tuy nhiên, BSC kì vọng một cục diện tích cực hơn vào cuối năm 2023 nhờ việc bình thường hoá các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, kì vọng tình hình lạm phát của các cường quốc trên thế giới được kiềm chế và giảm áp lực về tồn kho cao. Yếu tố tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục hạ nhiệt cũng sẽ bổ trợ cho sự phục hồi của ngành.

Đối với nhóm ngành bán lẻ, theo đánh giá, mức nền cao của năm 2022 cùng với áp lực từ lãi vay và sức mua suy giảm đã khiến tính hình cạnh tranh trong ngành trở nên gay gắt, đặt thách thức tăng trưởng chung đối với của nhóm ngành này trong năm 2023 (đặc biệt đối với nhóm ngành điện thoại - điện máy vốn đã có mức nền rất cao trong năm 2022).

 Chi phí lãi vay trong năm 2022 tăng mạnh so với năm trước đó đã kìm hãm tới tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ, trừ PNJ và VRE do sở hữu lượng tiền mặt ròng lớn. (Nguồn tư liệu: MH tổng hợp từ BCTC của doanh nghiệp).

Tuy nhiên, BSC kì vọng các doanh nghiệp lớn sở hữu sức mạnh tài chính, theo đuổi xu hướng tiêu dùng hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức trung bình ngành trong năm 2023, nhưng mức tăng có thể thấp hơn so với mức nền cao của 2022.

Chuỗi Thế giới Di động của MWG. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Các nhóm công ty bán lẻ như CTCP Vàng bạc Đá quý Quận Phú Nhuận (Mã: PNJ), chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) đang cố gắng chiếm thêm thị phần bằng cách mở rộng quy mô hay tiến hành M&A. Bách Hóa Xanh của MWG cũng đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện. 

Trong khi đó, nhóm các công ty như Sabeco (Mã: SAB), Tập đoàn Thiên Long (Mã: TLG) và cả PNJ cũng đang số hóa và tối ưu hóa mô hình hoạt động.

Đối với nhóm ngành tiêu dùng như Vinamilk (Mã: VNM), Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), dù dự kiến sẽ tăng trưởng từ mức nền thấp của năm 2022 nhưng vẫn đối mặt với áp lực sức mua suy giảm.

Theo chuyên gia, biên lợi nhuận gộp của ngành tiêu dùng được cải thiện nhờ doanh thu tăng trưởng khi nhu cầu ổn định do đã thích nghi được với mặt bằng giá cao hơn trong nửa đầu năm 2022. Xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển sau cao trào căng thẳng địa chính trị trên thế giới cũng là yếu tố giúp biên lãi gộp được cải thiện.

Ngoài ra, sự kiện kì vọng Trung Quốc mở cửa sẽ giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hỗ trợ doanh thu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp hiện tại.

 Nguồn: DBC, Bloomberg, BSC tổng hợp.

Tựu chung lại, BSC phân tích những khó khăn từ nhu cầu suy yếu và tồn kho cao dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực đến kết quả kinh doanh của nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ trong nửa đầu năm 2023.

Tuy nhiên, một cục diện tích cực hơn vẫn có thể hiện diện vào cuối năm 2023, khi việc bình thường hoá các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, kì vọng tình hình lạm phát của các cường quốc trên thế giới được kiềm chế, giảm áp lực về tồn kho cao và tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục hạ nhiệt.

BSC dự phóng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ. (Nguồn: BSC).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm