Chị Trần Thị Diễm (32 tuổi) làm việc trong lĩnh vực Marketing tại TP.HCM chia sẻ, chị đã ngừng cố gắng củng cố địa vị và đẳng cấp trong mắt người khác bằng những món đồ hiệu và cảm thấy vui với những món đồ tốt, chi phí rẻ.
Mua hàng hiệu với tâm lý khẳng định bản thân
Tôi có thể mua tất cả các kiểu áo mới ra, ngay cả những chiếc áo phông trắng thông thường nhất cũng sẵn sàng mua tới vài triệu một chiếc. Ảnh minh hoạ.
Đối với những người có tài chính tốt thì việc mua hàng hiệu cũng sẽ giống tâm lý như người bình thường mua sắm trên các ứng dụng sàn thương mại điện tử. Điều đó là một phần rất bình thường của cuộc sống và hoàn toàn không gây ra gánh nặng tài chính.
Tôi lúc trước cũng là như vậy và từng nghĩ như vậy. Tôi có thể mua tất cả các kiểu áo mới ra, ngay cả những chiếc áo phông trắng thông thường nhất cũng sẵn sàng mua tới vài triệu/chiếc của các thương hiệu lớn, dù thiết kế của nó trông chẳng khác gì hàng mấy trăm nghìn.
Làm công việc marketing, hàng ngày phải đối mặt với đủ khách hàng và đồng nghiệp, việc mang trên mình những món hàng hiệu đối với tôi là biểu tượng của gu thẩm mỹ và nó cũng tạo thêm cảm giác tự tin khi người khác nhìn hoặc đem tôi ra so sánh.
Tôi không phải người quá giàu, nhưng mức thu nhập thuộc hạng cao so với bạn bè. Không mua nhà, mua xe, tôi chỉ chăm chỉ dành dụm tiền để thực hiện ước mơ tiêu dùng đồ xa xỉ.
Trên thực tế, tôi biết có rất nhiều thứ rẻ tiền mà chất lượng vẫn tốt. Nhưng những món đồ hiệu dường như có "ma lực", nó mang lại cho tôi cảm giác tự tin, hạnh phúc và độc nhất. Có thể nói là sở hữu chúng tôi như được đắp thêm lớp trang điểm đẹp hơn, và có thể khiến mọi người trầm trồ ngay từ lần gặp đầu tiên.
Điều gì đã khiến tôi thay đổi?
Vào một ngày tôi đã đọc được 1 bài báo. Nội dung chia sẻ về một nghiên cứu từ Đại học Leeds cho thấy quần áo rẻ tiền thực sự có thể tồn tại lâu hơn những bộ quần áo đắt tiền. Nghiên cứu do Tiến sĩ Mark Sumner, một giảng viên về thời trang và tính bền vững của Đại học này thực hiện. Ông đã sử dụng các mẫu áo phông và quần jean từ nhiều thương hiệu và mức giá khác nhau, đo lường các yếu tố như độ bền của đường may, độ bền màu và thời gian sẽ bị rách.
Kết quả cho thấy áo sơ mi và quần jean của thời trang nhanh thường có hiệu quả tốt hơn so với các mặt hàng hiệu xa xỉ. Tiến sĩ Sumner nói với tờ The Telegraph: "Một số món quần áo chứng minh độ bền rất tốt trong quá trình thử nghiệm. Và hầu hết chúng là các mặt hàng thời trang nhanh. Quần jean của một thương hiệu thời trang nhanh có tuổi thọ cao gấp đôi so với một chiếc quần jean của nhãn hiệu thiết kế riêng, nhưng giá chỉ bằng 1/10".
Cùng lúc đó, gia đình tôi có người thân phải vào viện khẩn cấp. Việc loay hoay với số tiền trang trải viện phí đã khiến tôi phải bán hầu hết các món đồ hiệu đắt tiền bởi bản thân chẳng có khoản khẩn cấp hay bảo hiểm, quỹ dự phòng nào cả. Điều này dẫn tới quyết định thay đổi suy nghĩ trong chi tiêu và cách mua sắm của tôi.
Gần đây những thứ tôi mua đều là đồ rẻ
Trong nửa năm qua, tất cả những thứ cần thiết của tôi đều được mua trên sàn thương mại điện tử. Phụ kiện, quần áo hàng hiệu giờ đây không còn hấp dẫn tôi. Dù mua túi xách, quần áo hay giày dép, tôi cũng chỉ mua những thứ cảm thấy chất lượng ổn, giá phải chăng.
Bởi kinh nghiệm thời gian qua để tôi nghĩ rằng, quần áo và túi xách của phụ nữ sẽ sớm hết xu hướng. Về cơ bản, những món đồ bắt trend trước đây của tôi, đều sử dụng được 1 mùa rồi vứt xó. Tới khi bán chỉ còn lại nửa giá mà thôi. Sau biến cố gia đình tôi nghĩ, mình không cần phải mua quần áo, giày dép và túi xách quá đắt tiền thay vào đó cần tiết kiệm, đầu tư để vững vàng hơn trong tài chính.
Một số người bạn hoặc đồng nghiệp của tôi chế giễu và cho rằng, khi mặc những món đồ đắt tiền trông họ sang trọng hơn. Còn tôi thì sẽ tụt lại phía sau. Nhưng với tôi suy nghĩ đó đúng, nhưng chỉ đúng với từng người. Nhiều người đẹp không phải vì họ mặc hàng hiệu. Và tôi tự tin với quyết định của mình.
Học cách tiêu tiền hợp lý hơn
Tôi đang học cách chi tiêu hợp lý hơn cho việc mua sắm quần áo của mình. Hiện tại, tôi đang áp dụng Quy tắc 50-20-20-10 chia thu nhập hàng tháng thành bốn loại chi tiêu. Trong đó, số tiền mua quần áo được tôi đặt trong 10% thu nhập. Tôi chỉ được phép mua tất cả các món đồ thời trang trong khoảng tiền này để đảm bảo kế hoạch tài chính của mình được hợp lý nhất.
Bài viết ghi lại theo chia sẻ của nhân vật