Tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội TP HCM chiều 28/3, ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) thông tin, trong hai tháng đầu năm, Sở nhận được hai hồ sơ đề nghị thông báo đủ điều kiện huy động vốn, tuy nhiên qua xem xét thì cả hai dự án đều chưa đủ điều kiện.
“Như vậy, dự án mới mong muốn mở bán là có nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định. Thực tế vẫn có sản phẩm nhà ở trong dự án được chủ đầu tư đưa ra thị trường. Đây là những dự án mà trước đây đã được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán theo quy định”, ông Dũng chia sẻ.
Vị này thông tin thêm, hai tháng đầu năm, doanh thu kinh doanh bất động sản tại TP HCM tăng 20,1% so với cùng kỳ (số liệu của Cục Thống kê). Do đó, nguyên nhân thành phố chưa có nguồn cung mới chưa phải hoàn toàn do lo ngại tâm lý thị trường chưa hồi phục. Theo đại diện Sở Xây dựng, nguồn cung của từng loại hình nhà ở sẽ do lực cầu của thị trường quyết định và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Về giải pháp khơi thông nguồn cung, ông Dũng cho biết TP HCM đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo giải quyết, cụ thể.
Đơn cử, UBND TP đã ban hành Công văn số 3971 ngày 17/8/2023 để triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện các nội dung trọng tâm thuộc trách nhiệm của đơn vị mình để cùng tháo gỡ các vướng mắc trong các dự án nhà ở và bất động sản trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, TP cũng thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng và Tổ phó là giám đốc các Sở, ngành. Đồng thời, UBND TP HCM đã thống nhất hướng giải quyết là phân nhóm các dự án cùng vướng mắc cụ thể, giao trách nhiệm trực tiếp cho các sở, ngành chủ trì tháo gỡ. Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND TP xem xét quyết định.
Chia sẻ tại Hội thảo VPBankS Talk 3 diễn ra mới đây, ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng - CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services) cho biết từ năm 2021 đến nay, nguồn cung căn hộ liên tục sụt giảm ở toàn bộ thị trường, không chỉ riêng ở TP HCM mà cả Hà Nội.
Ông Khôi cho biết thời gian vừa qua TP HCM không có hàng để bán, môi giới gần như ngồi chơi. Tuy nhiên, nhìn sang những thị trường vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai và sắp tới là Long An đều có nguồn cung tốt.
"Nguồn cung tại TP HCM đang rất khan hiếm và sẽ tiếp tục khan khiếm trong thời gian tới, nếu có dự án thì đa phần là các dự án thuộc phân khúc trung, cao cấp, siêu cao cấp", vị này dự báo.
Đại diện Dat Xanh Services cho biết thêm, giá bất động sản tại TP HCM hiện vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như HongKong, Singapore... Nhưng nếu so với thu nhập người dân thì mặt bằng giá cao hơn rất nhiều. Ông Khôi lấy ví dụ, nếu lấy một sản phẩm ở quận 1, quận Bình Thạnh so với thu nhập người dân cả nước thì cao hơn nhiều.
"Mỗi năm có khoảng 1 triệu hộ gia đình được tạo mới trên khắp Việt Nam, tức là cần ít nhất 1 triệu đơn vị nhà ở, nhưng cả nước chỉ có chưa có 60.000 đơn vị nhà ở mới được xây dựng bởi các chủ đầu tư mỗi năm. Tính riêng tại khu vực trung tâm TP HCM chưa có tới 10.000 đơn vị nhà ở. Con số này chỉ đáp ứng được cho những người có thu nhập rất cao tại Việt Nam.
Nên nếu so sánh mức giá đó với thu nhập của người giàu thì không phải vấn đề quá lớn. Có những căn biệt thự giá 400 – 500 tỷ mà vẫn có người mua, bởi nguồn cung cho giới siêu giàu tại Việt Nam vẫn còn đang rất ít và họ vẫn có khả năng mua. So sánh một cách công bằng thì đó là thực trạng thị trường hiện nay, còn xét về mặt tổng quan thì giá nhà tại Việt Nam nói chung đang vượt quá khả năng chi trả của người dân", vị này đánh giá.