Theo trang IFLScience, khả năng đặc biệt nói trên được nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Lund, Thụy Điển kiểm nghiệm.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 13 con chim yến thông thường trưởng thành bằng cách gắn thẻ định vị lên thân và ghi lại hoạt động của chúng trong vòng 2 năm.
Kết quả cho thấy chim yến thông thường dành phần lớn thời gian ở trên không, chúng chỉ dành 2 tháng trên mặt đất để định cư và sinh sản.
Ngoại trừ một số con thỉnh thoảng đáp xuống mặt đất, phần lớn chúng dành đến 99,5% thời gian trong 10 tháng còn lại để bay trên bầu trời.
3 con trong số đó bay liên tục trong 10 tháng di cư, một thành tích đặc biệt ấn tượng so với kích thước khi trưởng thành của loài chim này: chỉ dài khoảng 20-23cm và nặng tối đa 40g.
Ông Anders Hedenstrom, một thành viên của nhóm nghiên cứu, khẳng định 10 tháng là quãng thời gian bay không cần đậu lâu nhất từng được ghi nhận ở loài chim.
Các nhà khoa học cho rằng sự khác biệt giữa những con chim yến thông thường bay liên tục và đáp xuống đến từ bộ lông của chúng.
Những con chim đáp xuống không thay lông cánh, trong khi những con bay liên tục tranh thủ thay lông trong quá trình bay.
Một đặc điểm khác giúp chim yến thông thường duy trì kỷ lục này là khả năng thích nghi phi thường của chúng.
“Loài chim yến thông thường đã phát triển để trở thành một loài bay rất hiệu quả. Hình dạng cơ thể thon gọn, đôi cánh dài và hẹp - tạo ra lực nâng với mức tiêu hao năng lượng thấp”, ông Hedenstorm giải thích.
Điều này giúp chim yến thông thường tiêu hao ít năng lượng hơn so với những loài chim khác, chúng còn có thể tăng tốc để bắt côn trùng bay trên không nhằm tiếp thêm năng lượng.
"Những con chim yến có thể giống loài cốc biển, ngủ trong khi lượn. Hàng ngày, vào lúc bình minh và hoàng hôn, chúng bay ở độ cao khoảng 2-3km. Có lẽ chúng ngủ trong khoảng thời gian này, nhưng chúng tôi không chắc”, vị chuyên gia nói thêm.