Thị trường chứng khoán phiên đầu tháng 11 chứng kiến giao dịch bùng nổ trên cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động . Cổ phiếu này khớp lệnh gần 21 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch lên đến 750 tỷ đồng, cao thứ 2 toàn sàn chứng khoán. Đây là khối lượng khớp lệnh cao nhất trong một phiên của MWG kể từ khi niêm yết tháng 7/2014.
Tiền vào bắt đáy “ồ ạt” nhưng vẫn chưa đủ để “giải cứu” MWG. Cổ phiếu này tiếp tục giảm kịch sàn phiên thứ 2 liên tiếp qua đó rơi xuống mức 35.100 đồng/cp, mức thấp nhất trong gần 3 năm kể từ giữa tháng 11/2020. Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan là cổ phiếu này đã không còn “trắng bên mua” như phiên cuối tháng 10 trước đó.
Thực tế, đà giảm của MWG bắt đầu từ giữa tháng 9 sau khi cổ phiếu này lên đỉnh một năm. Sau chưa đầy 2 tháng, cổ phiếu bán lẻ này đã mất 39% thị giá. Giá trị vốn hóa thị trường của Thế Giới Di Động cũng theo đó “bốc hơi” gần 32.800 tỷ đồng (~1,3 tỷ USD), chỉ còn khoảng hơn 51.000 tỷ đồng.
Dòng tiền bắt đáy MWG chủ yếu đến từ nhà đầu tư nội trong khi khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng thêm 5,3 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 190 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 10, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu MWG, tương đương giá trị bán ròng lên đến hơn 1.100 tỷ đồng. Điều này khiến MWG “hở” room ngoại khoảng 2%.
Đây là một điều khá bất ngờ bởi MWG từng là cổ phiếu rất được nhà đầu tư nước ngoài săn đón. Trước đây, có những giai đoạn khối ngoại còn chấp nhận mua thoả thuận ngoài sàn cổ phiếu này với mức premium rất cao (khoảng 45%). Tuy nhiên, những giao dịch này gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là khi Thế Giới Di Động gặp khó với bài toán tăng trưởng.
Quý 3 vừa qua, Thế Giới Di Động tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu quý 3 đạt 30.287 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,5% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 39 tỷ đồng, giảm đến 96% so với quý 3/2022.
Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận giảm do sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Đối với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Tuy nhiên, do bản chất là hàng thiết yếu nên Thế giới Di động cho biết các ngành hàng này đang ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định.
Luỹ kế 9 tháng, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu đạt gần 87.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 78 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,5% và 97% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp bán lẻ này mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra và đứng trước nguy cơ năm thứ 2 liên tiếp không kịp về đích.