Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 7, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,39 triệu tỷ đồng, giảm 73.923 tỷ đồng so với tháng 6. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tính đến cuối tháng 7 giảm 83.524 tỷ đồng so với tháng trước đó, xuống còn hơn 5,76 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi của dân cư cuối tháng 7 tiếp tục tăng nhẹ 9.600 tỷ đồng so với tháng trước lên gần 5,63 triệu tỷ đồng. Mức tăng này vẫn thấp hơn con số tăng trưởng tiền gửi của các tháng trước đó như tháng 6 (50.468 tỷ đồng), tháng 5 (36.889 tỷ đồng), tháng 4 (57.597 tỷ đồng) hay tháng 1 ( 103.166 tỷ đồng).
Theo báo cáo tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê (GSO), đà tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) có dấu hiệu giảm dần trong quý III.
Tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%). Trong đó, huy động vốn của các TCTD tăng 4,04%, cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%, cùng kỳ năm trước tăng 7,17%.
Nếu so với thời điểm 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%.
Có thể nhận thấy tăng trưởng tín dụng hiện cao gấp 2,6 lần tăng trưởng huy động vốn. Chênh lệch tín dụng - huy động tăng lên mức báo động gây ra áp lực thanh khoản cho nhiều ngân hàng.
Trước áp lực trên, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động trong thời gian trong đó có sự góp mặt của các ngân hàng quốc doanh cũng như ngân hàng TMCP lớn trong hệ thống. Lãi suất cao nhất lên đến gần 9%/năm, mặt bằng lãi suất dần trở về trạng thái trước dịch COVID-19.
Báo cáo triển vọng kinh tế mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi.