Doanh nghiệp

Tiềm lực cổ đông chiến lược từ Nhật Bản của Thép Pomina

Công ty thép Nhật Bản sắp mua vốn, Thép Pomina có hơn 100 tỷ đồng trả nợ ngân hàng

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Thép Pomina (Mã: POM) vừa thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 nhà đầu tư chiến lược. Số cổ phần dự kiến phát hành riêng lẻ hơn 10,6 triệu đơn vị với giá 10.000 đồng/cp cho CTCP Nansei Steel – một doanh nghiệp thép đến từ Nhật Bản. Thời gian phát hành trong quý IV/2023. Tỷ lệ sở hữu dự kiến của cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản sẽ là 3,65% vốn tại Pomina.

Trên thị trường, cổ phiếu POM dừng ở 5.200 đồng/cp chốt phiên 16/10. Như vậy, giá phát hành cho cổ đông chiến lược cao gần gấp đôi so với thị giá hiện tại.

Về mục đích sử dụng vốn, toàn bộ 106 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán riêng lẻ đầu tiên sẽ được Thép Pomina sử dụng để trả Ngân hàng VietinBank.

 Diễn biến giá cổ phiếu POM từ năm 2022 đến nay. (Nguồn: TradingView). 

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của Pomina đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ hơn 70,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 10.000 đồng/cp đực chia làm hai đợt, đợt 1 bắt đầu từ tháng 8/2023 và đợt hai từ tháng 9/2024. Cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

So với kế hoạch được đại hội thông qua, mục đích sử dụng vốn từ chào bán riêng lẻ của Pomina đã có sự thay đổi. Mục đích ban đầu là nhằm bổ sung vốn lưu động để khởi động lại lò cao - vốn đã đóng cửa từ quý III/2022. Cập nhật mới nhất, theo tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, Pomina dự kiến sử dụng 702 tỷ đồng thu được để thanh toán nợ vay tại Ngân hàng BIDV và VietinBank, thanh toán tiền mua hàng, nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và 15 tỷ cho vốn lưu động khác.

Chi tiết mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành riêng lẻ. (Nguồn: Dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ của Pomina).

Quyết định thay đổi mục đích sử dụng vốn của Thép Pomina đặt trong bối cảnh nhà sản xuất này chịu áp lực nợ vay lớn và bức tranh kinh doanh ngành thép không mấy sáng cửa. Tổng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của công ty tính đến cuối tháng 6/2023 là 6.267 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay công ty trả 287,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 205,5 tỷ đồng. Áp lực nợ vay cộng với doanh thu, giá bán giảm khiến Thép Pomina lỗ ròng gần 505 tỷ đồng trong hai quý đầu năm nay.

Bên cạnh tình hình thua lỗ, tại báo cáo soát xét, Ernst & Young Việt Nam có ý kiến nhấn mạnh liên quan tới khoản lỗ thuần gần 505 tỷ đồng và khoản lỗ luỹ kế 758 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023 của Pomina. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn khiến vốn lưu động âm 4.377 tỷ đồng

Tại thời điểm 30/6, Pomina ghi nhận khoản nợ vay quá hạn hơn 2.200 tỷ đồng và khoản phải trả người bán ngắn hạn đã quá hạn thanh toán với số tiền 922 tỷ. Pomina cho biết đang trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp để gia hạn thanh toán cho các khoản phải trả nói trên.

Theo kiểm toán, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Pomina.

Về phần sở hữu tại Thép Pomina trước khi cổ đông Nhật Bản tham gia, tại 30/6/2023, vốn điều lệ Pomina đạt gần 2.797 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất Thép Việt với tỷ lệ sở hữu đạt 52,33%, tỷ lệ còn lại đa số thuộc về gia đình Chủ tịch Đỗ Duy Thái.

Từ cuối tháng 6 tới nay, người nhà của ông Đỗ Duy Thái liên tục thoái bớt vốn tại Pomina. Hai người thân của ông Thái là bà Đỗ Thị Kim Ngọc và Đỗ Thị Kim Cúc đã bán tổng cộng 10,5 triệu cổ phiếu POM, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu về còn lần lượt là 2,82% và 1,83%.

Tiềm lực tài chính của cổ đông chiến lược Nansei  

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo Pomina cho biết có ba yếu tố để lựa chọn cổ đông chiến lược, thứ nhất là đơn vị phải cùng ngành, thứ hai là hiểu biết lẫn nhau và thứ ba là năng lực của đơn vị đó. Nansei mà công ty lựa chọn hợp tác là đơn vị cung cấp nguyên liệu thép top đầu Nhật Bản, thông tin tại đại hội.

Nansei Steel được thành lập tháng 12/2020 với trụ sở chính đặt tại tỉnh Chiba, Nhật Bản với ngành nghề kinh doanh chính là tái chế nguyên liệu luyện thép, bán buôn thép, kinh doanh kim loại và xuất khẩu.

Trên website, Nansei Steel cho biết lượng xuất khẩu thép thô hằng năm duy trì 50.000 tấn, cao nhất có khi đạt tới 700.000 tấn, tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam Á. Để dễ hình dung, con số 50.000 tấn/năm này bằng khoảng 4% sản lượng thép của Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu năm 2022 (1,2 triệu tấn).

 

 Một trong ba nhà máy tái chế của Nansei Steel. (Ảnh: Nansei Steel).

Nansei Steel là đơn vị thành viên của Nansei Co.Ltd. Công ty mẹ này được thành lập từ tháng 7/1989, đại diện pháp luật là ông Inafuku Makoto - người đang làm Giám đốc tại Nansei Steel. Ngành nghề chính của Nansei Co.Ltd là về lĩnh vực tái chế chất thải công nghiệp, kinh doanh phế liệu kim loại. Vốn điều lệ của Nansei Co.Ltd  theo công bố là 20 triệu yen Nhật, tương đương 3,3 tỷ đồng (1 triệu yen = 163,7 triệu đồng).

Giai đoạn tháng 5/2022 - 4/2023, doanh số của Nansei Co.Ltd lên hơn 48 tỷ yen, tức khoảng 7.858 tỷ đồng. Con số này bằng khoảng 60% doanh thu năm 2022 của Pomina.

Ông Inafuku Makoto, đại diện hãng thép Nansei chia sẻ công ty đang có khoảng 30 cơ sở kinh doanh tại Nhật Bản với thế mạnh là xuất khẩu. Ông Makoto cho rằng điểm đặc biệt của công ty chính là tự khai thác thị trường nước ngoài, độc lập ở các khâu vận chuyển trong quá trình xuất bán.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm