Tài chính

“Tiếc đứt ruột” vì không mua vàng nhẫn từ sớm, bây giờ có nên đầu tư khi giá đã lên 81 triệu đồng/lượng?

“Tiếc đứt ruột” vì không mua vàng nhẫn từ sớm, bây giờ có nên đầu tư khi giá đã lên 81 triệu đồng/lượng?- Ảnh 1.

Giữa tháng 4, khi giá vàng nhẫn chạm mốc 77 triệu đồng/lượng, chị Nguyễn Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đem 12 chỉ vàng ra cửa hàng bán chốt lời. Đây cũng là số vàng mà chị Mai tích lũy trong vòng hơn 1 năm bằng việc trích khoản tiền lương mỗi tháng ra mua vàng. Sau khi chốt bán vàng, chị Mai do dự về việc có nên tiếp tục mua vàng để tích lũy như thời gian trước.

“Giá vàng nhẫn tăng mạnh sau đó chững lại. Cộng thêm việc mua vàng trở nên khó khăn hơn khi các chính sách bình ổn giá vàng được đưa ra khiến tôi cho rằng giá vàng nhẫn sẽ khó có thể tiếp tục tăng. Bởi vậy mà tôi do dự về việc mua vàng. Nhưng không thể tin, đến hiện tại, giá vàng nhẫn lên tới hơn 81 triệu đồng mỗi lượng”, chị Mai nói.

Cũng trong sự nuối tiếc như chị Mai, kế hoạch mỗi tháng mua một chỉ vàng của chị Vũ Hồng (Hoài Đức, Hà Nội) “dậm chân tại chỗ” gần 2 năm trở lại đây. “Cơn sốt vàng” đẩy giá kim loại quý này liên tục khiến chị Hồng luôn trong tâm lý lo sợ “mua đỉnh”.

Thế nên, từ khi giá vàng nhẫn chỉ có hơn 50 triệu đồng đến khi tăng tới hơn 81 triệu đồng mỗi lượng, chị Hồng chỉ biết tiếc nuối nói câu: “Giá như”.

Không ít người như chị Mai và chị Hồng, họ đều chung tâm lý do dự giá vàng đã tăng cao và khó tiếp tục tăng thêm nên quyết định từ bỏ kế hoạch mua vàng nhẫn tích lũy. Thế nhưng, theo ước tính, từ đầu năm tới nay, giá vàng nhẫn tăng tới 18 triệu đồng/lượng.

Ở thời điểm đầu tháng 1, giá vàng nhẫn từng dao động ở mức khoảng 65 triệu đồng/lượng. Đến tháng 3, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng xoay quanh mốc 69 triệu đồng/lượng. Đến ngày 10/3, giá vàng nhẫn vọt lên chạm mốc 71 triệu đồng/lượng.

Sang tháng 4, xu hướng tăng của vàng nhẫn vẫn chưa dừng lại. Vào thời điểm giữa tháng 4, giá vàng nhẫn từng xác lập đỉnh 76 triệu đồng/lượng. Diễn biến này kéo dài trong tháng 5 khi giá vàng nhẫn tiến sát mốc 78 triệu đồng/lượng.

Kể từ tháng 6/2024, khi 4 ngân hàng Big 4 và Công ty SJC bán vàng miếng SJC để bình ổn thị trường. Do khó mua vàng miếng, nhiều nhà đầu tư chuyển sang mua vàng nhẫn. Giá vàng nhẫn trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 dao động quanh mức 77-78 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 13/9, giá vàng nhẫn vượt ngưỡng 79 triệu đồng/lượng. Một tuần sau, giá vàng nhẫn lại xác lập đỉnh mới ở mức 80 triệu đồng/lượng. Tính đến sáng ngày 23/9, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh giá vàng lên tới mức 81,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng nhẫn mua vào dao động ở mức 79,9 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng nhẫn trơn trong nước.

“Tiếc đứt ruột” vì không mua vàng nhẫn từ sớm, bây giờ có nên đầu tư khi giá đã lên 81 triệu đồng/lượng?- Ảnh 2.

Giá vàng nhẫn được niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu ngày 23/9.

Như vậy, với mức tăng 18 triệu đồng mỗi lượng từ đầu năm tới nay, người "ôm vàng" lãi khoảng 26%.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, hiện, giá vàng trên thế giới đang tăng mạnh vượt mức 2.600 USD/ounce sau khi Fed giảm lãi suất 0,5%. Đối với thị trường vàng trong nước, vàng miếng vẫn đang nằm trong diện bình ổn giá và bị kiểm soát chặt chẽ. Trong khi vàng nhẫn không bị đặt trong diện bình ổn giá, phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng nhẫn cũng tăng là điều tất yếu. Còn giá vàng miếng sẽ không tăng mạnh do bị kiểm soát về nguồn cung.

Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng thế giới sẽ còn tăng tới 3.000 USD/ounce. Nếu điều đó xảy ra, giá vàng trong nước cũng sẽ tăng.

Về câu hỏi đặt ra là có nên đầu tư vào vàng lúc này hay không? Ông hiếu nói: “Câu trả lời của tôi là hãy hết sức cẩn trọng đầu tư vào vàng, cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn. Thị trường vàng miếng đang được đặt vào chương trình ổn định giá và đang được kiểm soát. Liệu vàng nhẫn cũng sẽ được kiểm soát chăng? Chúng ta cần tiếp tục theo dõi thị trường vàng và chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN”.



Cùng chuyên mục

Đọc thêm