Lời toà soạn: Đây đều là các công trình kéo dài nhiều năm, chưa hoàn thành/chỉ hoàn thành một phần nhỏ và có dấu hiệu lãng phí nghiêm trọng. |
Dự án thủy điện Hồi Xuân tọa lạc trên địa bàn xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2010. Dự án do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, thủy điện Hồi Xuân có công suất 102 MW, là công trình thủy điện lớn thuộc quy hoạch điện lực quốc gia. Dự án được xây dựng bao gồm ba tổ máy, với sản lượng điện trung bình hàng năm hơn 432 triệu Kwh.
Theo kế hoạch, khoảng tháng 10/2012, thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần một, cuối năm 2013 chặn dòng lần hai, đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9 cùng năm.
Thời gian đầu thực hiện dự án, chủ đầu tư thi công rầm rộ, khối lượng công việc cũng được triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên, cuối năm 2014, dự án bị dừng lại.

Ngay sau đó, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông đã mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân, nắm giữ 91% cổ phần chi phối.
Để có vốn tiếp tục thực hiện dự án, chủ đầu tư đã được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, dự án tiếp tục được thi công trở lại năm từ 2017. Đến cuối năm 2019 nhà máy thủy điện đã đạt được 93% khối lượng công trình. Thời điểm này, chủ đầu tư cũng bắt đầu dừng dự án.

Theo lãnh đạo huyện Quan Hóa cho biết, dự án thủy điện Hồi Xuân đã dừng thi công từ đầu năm 2019. Đến năm 2024, chủ đầu tư cho máy móc và công nhân thi công trở lại, tuy nhiên chỉ làm nhỏ giọt trong thời gian ngắn rồi tiếp tục dừng cho đến nay.
Cũng theo vị lãnh đạo huyện này, dự án thủy điện ban đầu được kỳ vọng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, dự án dừng thi công, kéo theo rất nhiều hệ lụy và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong vùng bị tác động của lòng hồ thủy điện.

Cụ thể, vùng lòng hồ dự án thủy điện Hồi Xuân có hơn 655 ha đất bị ảnh hưởng, thuộc hai huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Gần 1.900 hộ dân ở hai địa phương này bị tác động, trong đó khoảng 500 hộ phải tái định cư đến nơi ở mới.
Hiện dự án đang còn tồn tại, vướng mắc việc bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Đơn vị thi công chưa hoàn trả một số tuyến đường giao thông tránh ngập; nhiều tuyến đường thi công dang dở; chưa chi trả kinh phí xây dựng các công trình công cộng như trường học, trạm y tế,... ước tính hàng chục tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần đề xuất các bộ, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ để dự án tái khởi động, để người dân ổn định đời sống, sản xuất.
“Trước mắt, chúng tôi mong muốn các cấp sử dụng ngân sách hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh cho bà con. Về lâu dài, đề nghị Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân tập trung thu xếp nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án đi vào hoạt động, nhằm ổn định đời sống nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế”, vị lãnh đạo huyện cho hay.
Ngân hàng kẹt vốn tại dự án thuỷ điện Hồi Xuân
Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực hồi tháng 3/2023 cũng điểm tên dự án này như một điển hình của chậm tiến độ. Thời điểm đó, các hạng mục công trình chính đạt khoảng trên 98% khối lượng. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO đã thi công trở lại từ tháng 11/2022, bao gồm các công việc: hoàn thiện kiến trúc nhà máy, thi công cầu giao thông qua tràn.
Chủ đầu tư dự án khi đó cam kết hết quý I/2024 sẽ hoàn thiện, vận hành nhà máy.
Nhưng tại văn bản sau đó, Bộ Công Thương cho biết: Bộ đã nhận được 3 báo cáo của VNECO Hồi Xuân. Tuy nhiên, công ty mới chỉ đưa ra được phương án tài chính bổ sung nguồn vốn để tiếp tục triển khai các công việc còn lại của dự án.
Theo tìm hiểu của PV.VietNamNet, Agribank hiện đang bị đọng vốn gần 700 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) tại dự án thủy điện Hồi Xuân và đã có động thái rao bán đấu giá khoản nợ này.
Cụ thể, ngày 16/10/2024, Agribank Chi nhánh 8 thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ số 913 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Hồi Xuân VNECO theo hợp đồng tín dụng số 1702-LAV-201500270 ngày 8/4/2015.
Tổng dư nợ tính đến ngày 26/9/2024 là hơn 689 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 436,2 tỷ đồng, nợ lãi tạm tính là hơn 252,7 tỷ đồng. Khoản nợ này được Agribank đưa ra đấu giá với giá khởi điểm hơn 706 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm 6 tài sản thế chấp. Trong đó, đáng chú ý là hơn 31,2 triệu cổ phần của các cổ đông hiện hữu, bao gồm Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam và một số cổ đông khác. Các cổ phần này được thế chấp theo hợp đồng ngày 9/4/2015 với tổng giá trị hơn 312 tỷ đồng, đảm bảo cho mức dư nợ trên 234 tỷ đồng và được đăng ký thế chấp tại Trung tâm Đăng ký Giao dịch, Tài sản tại TP.HCM vào ngày 13/4/2015.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn bao gồm giá trị khối lượng thi công xây dựng cơ bản dở dang của dự án thủy điện Hồi Xuân tại nhiều thời điểm khác nhau.
Cụ thể, khối lượng thi công được nghiệm thu đến ngày 7/4/2015 có tổng giá trị thế chấp 107 tỷ đồng, đảm bảo cho dư nợ 80,25 tỷ đồng.
Khối lượng thi công nghiệm thu đến ngày 3/8/2015 có giá trị thế chấp 90 tỷ đồng, đảm bảo cho dư nợ 67,5 tỷ đồng.
Tương tự, khối lượng thi công nghiệm thu vào các ngày 17/9/2015, 31/10/2015 và 30/11/2015 có tổng giá trị thế chấp lần lượt là 49 tỷ đồng, 71 tỷ đồng và 15 tỷ đồng, đảm bảo cho mức dư nợ tương ứng là 36,75 tỷ đồng, 53,25 tỷ đồng và 11,25 tỷ đồng.
Các tài sản này đều được đăng ký thế chấp tại Trung tâm Đăng ký Giao dịch, Tài sản tại TP.HCM vào thời điểm ký hợp đồng.
Việc Agribank chi nhánh 8 rao bán khoản nợ này cho thấy tình trạng bế tắc kéo dài của dự án thủy điện Hồi Xuân, vốn đã được khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.