Kinh doanh

Thương hiệu cá rô phi: ‘Không thể làm cái gì thích rồi gom đi bán’

Tóm tắt:
  • Cần xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn cho cá rô phi Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh.
  • Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành cá rô phi với sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng trưởng.
  • Thị trường cá rô phi toàn cầu dự báo đạt 14,5 tỷ USD vào năm 2033, với nhu cầu ngày càng tăng.
  • Ngành cá rô phi đối mặt thách thức về giống, dịch bệnh, và chuỗi cung ứng yếu.
  • Liên kết giữa vùng nuôi và nhà máy chế biến là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững.

Nhận định được ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - đưa ra tại hội thảo tổ chức sản xuất và xuất khẩu cá rô phi năm 2025, diễn ra ngày 17/4 tại Cần Thơ.

Ông Luân cho hay, theo Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam, cá rô phi là một trong những đối tượng tiềm năng được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao ngành cá rô phi không phát triển được, mặc dù những năm gần đây có những tín hiệu tốt về xuất khẩu.

“Tiềm năng thị trường cá rô phi trên thế giới là có, vấn đề là tổ chức sản xuất làm sao để cạnh tranh được. Rất mừng là trong mấy năm trở lại đây, Việt Nam có những cơ sở sản xuất giống có chất lượng. Trước đây thường nhìn thấy con cá 1kg là ghê lắm, nhưng bây giờ cá bố mẹ 4-5kg. Đó là điều đáng mừng, chất lượng về mặt di truyền có ở đâu đó để chúng ta tự tin là phát triển được” - ông Luân nói.

Thương hiệu cá rô phi: ‘Không thể làm cái gì thích rồi gom đi bán’ ảnh 1

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư - phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Luân, trong 2 năm qua VIệt Nam xuất khẩu cá rô phi đạt lần lượt 17 triệu USD (năm 2023) và 41 triệu USD (năm 2024). Dự báo thị phần cá rô phi trên thế giới có thể là 14,5 tỷ USD trong thời gian tới, trong khi với con tôm cũng từ 23-24 tỷ USD, tối đa là 25 tỷ USD. Ngay từ bây giờ phải suy nghĩ xây dựng thương hiệu con cá rô phi Việt Nam, đưa ra tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu cạnh tranh trên thị trường.

“Rút kinh nghiệm từ những sản phẩm trước đây, đây là buổi khởi động để làm sao xây dựng được thương hiệu cho con cá rô phi Việt Nam và sức cạnh tranh tốt hơn. Không có cách nào khác là phải có thương hiệu, có tiêu chuẩn để công bố, chứ không thể làm cái gì thích rồi gom đi bán, như thế vẫn lẩn quẩn câu chuyện tự cạnh tranh nội tại và tự làm xấu hình ảnh con cá của chúng ta” - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư phát biểu.

Thương hiệu cá rô phi: ‘Không thể làm cái gì thích rồi gom đi bán’ ảnh 2

Việt Nam có cơ hội và tiềm năng phát triển ngành cá rô phi.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, năm 2024 sản lượng cá rô phi thế giới đã tăng lên 7 triệu tấn, giá trị thương mại qua biên giới khoảng 10,6 tỷ USD và dự báo đạt 14,5 tỷ USD vào năm 2033, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng hơn rất nhiều nhu cầu của những mặt hàng thủy sản khác.

Theo ông Nam, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu năm 2024 đạt 479.000 tấn, giá trị hơn 1,4 tỷ USD, trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu cá rô phi đạt hơn 41 triệu USD, tăng 137% so với năm 2023. Trong đó, xuất sang Mỹ tăng vượt bậc với hơn 19 triệu USD (tăng 572% so với năm 2023), tiếp đến là châu Âu (EU, hơn 4 triệu USD), Hàn Quốc, Trung Đông, ASEAN, Nhật Bản…

Quý I năm nay, xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ, trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường quan trọng khi chiếm 46%, kế đến là Nga (chiếm hơn 5%), Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thương hiệu cá rô phi: ‘Không thể làm cái gì thích rồi gom đi bán’ ảnh 3

Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam.

Theo đại diện VASEP, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, diện tích mặt nước lớn, lý tưởng cho nuôi cá rô phi với chu kỳ ngắn (5-6 tháng, trọng lượng 600-800g/con), chi phí thấp, có công nghệ làm tăng năng suất, giảm dịch bệnh. Trong khi đó, nhu cầu thị trường dự báo tăng 13%/năm, đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2030, riêng thị trường Mỹ nhập 200.000 tấn/năm. Cá rô phi Việt Nam cũng được ưa chuộng ở EU, mở ra cơ hội xuất khẩu…

Tuy nhiên, ngành cá rô phi cũng đối mặt thách thức về giống và dịch bệnh, thức ăn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chuỗi cung ứng yếu, liên kết lỏng lẻo, thiếu nhà máy đạt chuẩn, chi phí logistics tăng... Bên cạnh đó là các yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, lao động bền vững; cạnh tranh của các đối thủ như Brazil, Trung Quốc…

Ông Phạm Thành Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thức ăn chăn nuôi nông lâm Vina - cho rằng, điều khó khăn nhất hiện nay đối với người nuôi cá rô phi là đầu ra. Làm thế nào để có được mối liên kết giữa ao nuôi với nhà máy chế biến, tạo ra chuỗi cung ứng tốt, là yếu tố cực kỳ quan trọng.

“Nhà máy chế biến nói, có vùng nuôi thì sẽ tính toán đường xuất khẩu, còn nông dân thì nói có nhà máy chế biến thì họ sẽ nuôi. Nếu nhà quản lý không tìm hướng đi chung, liên kết giữa vùng nuôi với chế biến thì người nông dân chỉ nuôi nhỏ lẻ” - ông Trung nói.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân:

Nhiều nhà máy rất mong muốn liên kết vùng nuôi đạt chuẩn xuất khẩu, bởi việc thiếu vùng liên kết, không tạo được niềm tin khiến chi phí để các nhà máy phân tích kháng sinh hiện nay cực kỳ tốn kém. Không tạo được liên kết, tiêu chuẩn thì không bao giờ có thể xây dựng được thương hiệu cá rô phi Việt Nam. Cần chuẩn hóa. Không làm ồ ạt, vùng nào nhà máy liên kết được hợp tác xã nuôi thì làm chắc vùng đó. Đào tạo, tập huấn cho nông dân vùng nuôi, tổ chức lại khâu liên kết…

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Agribank đẩy mạnh tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8.3.2025, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1.3.2025 và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã đăng ký triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản quy mô 20.000 tỉ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Ngân Tín Group: Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Theo công bố mới nhất từ Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Ngân Tín (Ngân Tín Group) là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2025, thuộc bảng xếp hạng FAST500 – một trong những bảng xếp hạng uy tín, ghi nhận các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng bền vững, ấn tượng nhất cả nước.