Xã hội

TP.HCM tinh giản cán bộ, công chức dựa trên kết quả công việc 3 năm gần nhất

Tóm tắt:
  • TP.HCM đánh giá cán bộ theo kết quả thực hiện nhiệm vụ 3 năm gần nhất để tinh giản biên chế.
  • Đề án xác định 5 nhóm đối tượng bị tác động trong quá trình sắp xếp.
  • Thành phố đặt mục tiêu giảm tối thiểu 4% công chức, viên chức hưởng lương ngân sách mỗi năm.
  • TP.HCM sẽ sắp nhập đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 273 xuống 102 đơn vị.
  • Giải pháp bao gồm luân chuyển, tăng cường đào tạo và trọng dụng nhân sự có năng lực nổi trội.

UBND TP.HCM vừa ban hành Đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và người lao động sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính trong hệ thống chính trị.

Một trong những điểm đáng chú ý của Đề án là việc TP.HCM sẽ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm trong 3 năm gần nhất, làm căn cứ cho tinh giản biên chế.

TP . HCM tinh giản biên chế dựa trên kết quả công việc 3 năm gần nhất - Ảnh 1.

TP.HCM tinh giản cán bộ, công chức dựa trên kết quả công việc 3 năm gần nhất. (Ảnh minh họa)

Theo đó, nguyên tắc đánh giá phải gắn với mục tiêu tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để xác định các đối tượng tinh giản ngay sau khi sắp xếp, đồng thời phục vụ việc xếp loại chất lượng hằng năm, đảm bảo việc tinh giản đúng người, đúng việc và đúng thẩm quyền.

Đề án xác định 5 nhóm đối tượng chịu tác động, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác; cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc có thời gian công tác từ 2,5 đến dưới 5 năm; người làm việc trong các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; người lao động hợp đồng làm một số công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

TP.HCM cũng đề ra lộ trình cụ thể trong việc thực hiện Đề án này. Trong quý 1/2025, các cơ quan, đơn vị sẽ rà soát, lập danh sách các trường hợp không đủ điều kiện tiếp tục công tác, đồng thời xây dựng lộ trình giải quyết chính sách phù hợp.

Từ quý 2/2025, các đơn vị phải xây dựng đề án vị trí việc làm, xác định số lượng biên chế hưởng lương ngân sách và đề xuất danh sách cán bộ, công chức dôi dư.

Mục tiêu của thành phố là giảm tối thiểu 4%/năm số lượng công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả công vụ.

Trước đó, TP.HCM đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm từ 21 sở xuống còn 16, từ 8 cơ quan hành chính đặc thù xuống còn 4, và từ 35 đơn vị sự nghiệp công lập còn 32. Thời gian tới, thành phố tiếp tục sáp nhập thêm một số cơ quan chuyên môn.

Đặc biệt, TP.HCM sẽ sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, từ 273 đơn vị xuống còn 102.

Việc sắp xếp này dự kiến sẽ làm phát sinh hơn 11.000 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư.

Bên cạnh việc tinh giản, TP.HCM cũng đề ra các giải pháp nhằm sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó có: Sắp xếp trong nội bộ cơ quan; luân chuyển, bố trí ở các đơn vị khác trong toàn thành phố; tăng cường về cơ sở; cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ; trọng dụng nhân sự có năng lực nổi trội, chuyên môn sâu, tư duy đổi mới, có khả năng thích ứng nhanh với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Việc tinh giản biên chế lần này không chỉ mang tính kỹ thuật, hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm tái cấu trúc bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Agribank đẩy mạnh tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8.3.2025, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1.3.2025 và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã đăng ký triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản quy mô 20.000 tỉ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Ngân Tín Group: Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Theo công bố mới nhất từ Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Ngân Tín (Ngân Tín Group) là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2025, thuộc bảng xếp hạng FAST500 – một trong những bảng xếp hạng uy tín, ghi nhận các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng bền vững, ấn tượng nhất cả nước.