PV: Câu chuyện đánh thuế người nhiều BĐS đã được đưa ra bàn thảo từ rất lâu. Nội dung này lần nữa được tái khẳng định Nghị quyết 18, quy định đánh thuế cao đối với những người sở hữu nhiều đất đai. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Ông Đinh Thế Hiển: Tôi nghĩ rằng việc quy định đánh thuế cao hơn đối với những người sở hữu nhiều đất đai sẽ là bước tiến quan trọng để tạo sự công bằng, hợp lý. Trước đây, khi chưa thực hiện định hướng thị trường không ai có quyền sở hữu căn nhà thứ hai. Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước không cho nắm quyền và không thu thuế người dân ở căn nhà của mình. Tuy nhiên, mấy chục năm nay, nền kinh tế thị trường phát triển giúp cho mọi người làm giàu, mở mang sản xuất kinh doanh, sở hữu nhiều nhà đất… Và kinh tế thị trường cũng phải thay đổi cách thức quản lý trong đó có việc thu thuế.
Khi nhà nước phát triển kinh tế địa phương, sử dụng nguồn ngân sách lớn để chi đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh trật tự…, điều đó giúp giá trị đất đai tăng. Tuy nhiên, người có nhiều đất đai lại muốn áp dụng không thu thuế là "ăn gian" và ngân sách không có khoản thu tương xứng.
Nguyên tắc thuế là tạo sự công bằng, phân phối lại. Người có thu nhập cao phải đóng thuế nhiều. Người có nhiều nhà đất phải đóng thuế cao cho ngân sách địa phương. Nguồn thu thuế đó để địa phương nâng cấp hạ tầng giao thông, an sinh xã hội, an ninh trật tự… Từ đó địa phương thu hút được nhiều dự án, góp phần phát triển kinh tế quốc gia, kinh tế địa phương và giúp giá bất động sản tăng, người sở hữu được hưởng lợi nhiều hơn. Vì vậy đóng thuế là hợp lý.
Nhiều người cho rằng việc thu thuế BĐS là biện pháp thu thêm của Chính phủ nên họ phản đối. Tuy nhiên phải nói rằng, ở Việt Nam hiện nay, các sắc thuế trong hoạt động kinh doanh BĐS đang thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.
Bên cạnh sự ủng hộ, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần xem xét thận trọng việc đánh thuế nhà đất bởi lo ngại nếu "miễn cưỡng" đánh thuế sẽ khiến giá nhà đất tăng thêm, từ đó người nghèo càng gặp khó khi tiếp cận nhà ở. Hơn thế, nếu chỉ giải quyết vấn đề thuế thì đây vẫn chưa phải là "bài thuốc" trị được tận gốc "cơn sốt" BĐS?
- Quan sát trong thời gian dài, tôi thấy thu thuế hợp lý giá BĐS sẽ không tăng theo dạng lướt sóng. Trong thời gian vừa qua, do không đánh thuế BĐS hàng năm nên nhiều người "ôm đất". Theo thống kê có tới 70% giao dịch đất đai là đầu cơ. Nếu đánh thuế, mỗi năm người mua đất, khai thác tốt, cho thuê hay kinh doanh sẽ có tiền và nộp được thuế.
Đối với những người mua căn nhà, lô đất chỉ để đầu cơ, chờ tăng giá bán, người mua sẽ phải nộp thuế hàng năm. Họ sẽ phải tính toán nộp thuế, chi phí cơ hội… Từ đó nhu cầu đầu cơ sẽ giảm và giá BĐS trở nên hợp lý hơn. Còn nếu người mua vẫn cố gắng đầu cơ, họ sẽ vẫn nộp thuế hàng năm, ngân sách địa phương có nguồn thu để chi cho an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Vậy theo ông, đánh thuế đất đai nên thực hiện như thế nào cho công bằng, hợp lý?
- Các nước hiện nay thu thuế BĐS từ 20 - 25% khả năng khai thác. Đơn cử như căn nhà cho thuê 200 triệu/năm sẽ phải đóng thuế 20% tương đương 40 triệu và họ vẫn được hưởng giá trị lời là 80%.
Theo tôi cần thu thuế suất lũy tiến theo năm. Bộ Tài chính phải tính toán khoa học để việc khai thác đất đai có lợi nhiều lần. Như vậy việc thu thuế phải theo giá trị trường. Mức thuế suất lý tưởng nhất là điều chỉnh 1 lần/năm. Tuy nhiên vì chính sách nhà nước phải ổn định trong thời kỳ nên mức thuế nhà đất có thể điều chỉnh 2-3 năm/lần.
Tôi cho rằng thu thuế tài sản, BĐS không nên nôn nóng, cần làm từng bước để người dân quen dần. Vì vậy lộ trình thu thuế cần lũy tiến tăng theo các năm. Những việc này thực hiện đồng bộ sẽ kiểm soát và thu thuế thuận lợi hơn. Các nước phát triển đã làm ổn định nhiều năm. Người giàu, nhiều nhà đất rất tự hào và thích nộp thuế. Việt Nam dần dần sẽ làm được.
Trân trọng cảm ơn ông!