Sau gần một tháng đi xuống của thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ 20%-30%. Trong khi đó, hàng loạt thông tin kém tích cực đến từ thế giới lẫn trong nước khiến tâm lý thận trọng bao trùm thị trường, dòng tiền lớn không còn chảy vào như trước khiến giá trị giao dịch xuống thấp nhất gần 2 năm. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư chỉ muốn rút khỏi thị trường càng sớm càng tốt.
Sai lầm trong tính toán
Ông Trương Văn Hùng (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết sau đợt hồi phục của thị trường tháng 7 và 8, tài khoản đầu tư của ông giảm lỗ còn khoảng 7%. Thấy nhiều người nói thị trường đã ổn định nên ông quyết định nạp thêm vài triệu đồng để tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ với hy vọng sớm "về bờ" và có lãi. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8 đến nay, thị trường liên tục giảm, cổ phiếu mà ông Hùng đặt hết niềm tin cũng rớt giá thảm hại. Kết quả, ông Hùng lỗ thêm gần 20%, tính ra số tiền lên tới cả tỉ đồng.
Cũng nằm trong hội "bắt đáy" cổ phiếu, chị Mai An (ngụ quận 4, TP HCM) nghe nhiều người nói cổ phiếu ngành thủy sản và tiêu dùng có triển vọng tích cực nên chị dốc hết tiền mua mã ASM của Tập đoàn Sao Mai An Giang và mã PAN của Công ty CP Tập đoàn PAN từ cuối tháng 8 dù biết hai cổ phiếu này đã tăng giá khá mạnh trước đó. Vừa mua xong, thị trường sụt giảm, giá cổ phiếu chị An mua cũng không ngừng đi xuống. Đến nay, sau hơn 3 tuần nắm giữ, chị An thua lỗ hơn 25%, tính ra tới cả trăm triệu đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Minh (một nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM) cũng cảm thấy hối hận khi vội vàng bắt đáy cổ phiếu. Anh Minh cho biết thấy thị trường hồi phục tích cực trong tháng 7 và 8, nhiều thông tin tích cực về kinh tế được công bố, nhiều mã cổ phiếu vẫn đang ở mức giá hấp dẫn nên anh muốn tìm kiếm cơ hội. Được chuyên gia chứng khoán tư vấn ngành chứng khoán, ngân hàng có nhiều triển vọng, nên với số tiền gần 300 triệu đồng, anh Minh đặt mua 2 mã cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường lại giảm điểm liên tục, các mã cổ phiếu anh Minh mua tuy không rớt mạnh nhưng vẫn khiến anh lỗ gần 40 triệu đồng. "Nhìn giá cổ phiếu giảm, nếu so với 1 năm trước đây là quá hấp dẫn. Chính vì vội vàng bắt đáy nên tôi mới chịu lỗ. Giờ tôi chỉ mong bán hết cổ phiếu, đem tiền gửi tiết kiệm cho an toàn" - anh Minh buồn rầu nói.
Nhiều nhà đầu tư tiếp tục lỗ nặng sau gần một tháng đi xuống của thị trường chứng khoán. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Biến động theo dòng tiền
Trước tình cảnh ảm đạm của thị trường, nhiều nhà đầu tư băn khoăn vì sao kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tốt, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, doanh nghiệp niêm yết vẫn hoạt động tốt… nhưng thị trường chứng khoán cũng như giá cổ phiếu liên tục giảm sâu, thậm chí giảm về mức đáy của đợt lao dốc đầu năm?
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty CP FIDT, cho rằng thị trường chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng và thường phản ánh kỳ vọng của nền kinh tế trước khoảng nửa năm. Do đó, hiện tại thị trường có thể phản ánh bức tranh kinh tế những tháng tới nên rơi vào trạng thái lình xình. "Lãi suất điều hành, lãi suất huy động và chi phí lãi vay tăng lên… chứng khoán không thể tăng được" - ông Tuấn phân tích.
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc WiGroup, phân tích nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp nhưng dòng tiền lại xấu do ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỉ giá VNĐ, dòng vốn chảy ra nước ngoài. Thị trường chứng khoán biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo.
Theo ông Báu, năm 2023, tăng trưởng GDP có thể chậm lại, xuống thấp hơn mức trước dịch, áp lực lạm phát lớn hơn so với 2022 - có thể lên tới 4,1%, tức cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực hút ròng sẽ không còn mạnh nên có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ phục hồi dần.
Trong khi đó, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính - Doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng trong đầu tư tài chính, các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường quan tâm đến việc phân bổ tài sản. Nếu kinh tế lạc quan thì gia tăng tỉ trọng đầu tư tài sản có rủi ro, thậm chí vay nợ để đầu tư và ngược lại phải tăng đầu tư vào các tài sản phi rủi ro (gửi ngân hàng). Để ra quyết định này họ phải phân tích kinh tế. Và trong giai đoạn hiện nay, rủi ro về kinh tế có thể nhìn thấy được là lạm phát toàn cầu vẫn còn cao. Hậu quả là các chính sách liên quan đến tiền tệ bao gồm tài khóa, lãi suất, tỉ giá sẽ phải thắt chặt, điều này sẽ gây khó khăn cho thị trường chứng khoán. Vì vậy, nhà đầu tư chuyên nghiệp, những "tay chơi" lớn thường chọn cách giảm đi tài sản có rủi ro. "Hiện tại, rất nhiều quỹ đầu tư trên thế giới đã khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỉ trọng nắm giữ cổ phiếu, tức tài sản có rủi ro. Do vậy, nhà đầu tư trong nước cũng cần theo dõi dữ liệu kinh tế để biết xu hướng tới của thị trường chứng khoán, để xem khi nào nên mua cổ phiếu nhưng chắc chắn không phải bây giờ. Hiện tại là cơ hội nhà đầu tư đang giữ tiền. Quy luật của thị trường chứng khoán là có người thất bại, sẽ có người thành công" - ông Chí nhìn nhận.
Giai đoạn lựa chọn hàng tốt
Ông Huỳnh Minh Tuấn cũng cho rằng đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, triển vọng vĩ mô nói chung vẫn là bức tranh xám màu. Tuy nhiên, ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Tuấn cho biết ông đặc biệt ưa thích giai đoạn này. Đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua. Đây là giai đoạn có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng nguồn cổ phiếu.