Tài chính

Thủ tướng: Tháo gỡ dự án năng lượng tái tạo, xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng

Thủ tướng: Tháo gỡ dự án năng lượng tái tạo, xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Chiều 12-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến công bố và triển khai nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Nhấn mạnh nguyên tắc xử lý, Thủ tướng cho rằng việc tháo gỡ dự án cần chủ động giải quyết theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Các sai phạm cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm, không hợp thức hóa sai phạm nhưng có giải pháp, có cơ chế, chính sách để giải quyết.

Không để lãng phí nguồn lực nhưng cũng không hợp thức hóa sai phạm

Việc xử lý các dự án để không lãng phí nguồn lực, tăng cường nguồn điện phục vụ phát triển  kinh tế xã hội. Vì vậy trên cơ sở nghị quyết đã ban hành, sẽ tổ chức thực hiện ngay, khẩn trương, đồng bộ và hiệu quả để phát huy các dự án, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Việc giải quyết vướng mắc với tinh thần lựa chọn phương án xử lý tối ưu, hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án.

Nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự. Việc tháo gỡ khó khăn cũng được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý. Việc này không làm phát sinh sai phạm mới, không để tiêu cực và hệ lụy xấu trong quá trình xử lý, nhất là sai lại chồng sai.

Với các phương hướng xử lý đã được nêu, Thủ tướng nêu rõ thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết một cách công khai, minh bạch, không vòng vo, đẩy lên cấp trên. Mục tiêu cố gắng giải quyết dứt điểm trước ngày 31-1-2025.

Đối với các dự án đã bị khởi tố, chỉ thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm sau khi đã có bản án có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Xử lý các vướng mắc phải công khai, minh bạch; nghiêm cấm việc xử lý vướng mắc để tham nhũng, lợi ích nhóm.

Rà soát kỹ từng trường hợp để tháo gỡ

"Nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải đi xử lý, mất người, mất của, mất thời gian, mất niềm tin, mất cơ hội. Nếu ai chạy chọt thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì rà soát kỹ các trường hợp khó khăn, vướng mắc của dự án điện năng lượng tái tạo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý từng vướng mắc; khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện 8, kế hoạch thực hiện và quy hoạch khoáng sản...

Đối với các chủ đầu tư, tích cực, chủ động khắc phục đầy đủ các vi phạm, thiếu sót do cơ quan có thẩm quyền đã chỉ ra; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, vận hành của dự án phù hợp với quy định của pháp luật, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vướng mắc...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung rà soát, khắc phục những tồn tại, vi phạm đã được nêu trong kết luận Thanh tra Chính phủ hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nhóm vi phạm cần được phân loại và thống nhất nội dung xử lý, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền; tạo thuận lợi cho các dự án hoàn tất các thủ tục mua bán điện.

Quy mô lên tới 13 tỉ USD

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Vì vậy bộ đưa ra sáu giải pháp, phương hướng tháo gỡ, xử lý khó khăn cho các dự án như cho phép bổ sung quy hoạch, dự án sai phạm về thủ tục phải khắc phục, điều chỉnh quy hoạch...

Theo thống kê, quy mô các dự án đã đầu tư sơ bộ lên tới 308.409 tỉ đồng, tương đương khoảng 13 tỉ USD, chiếm tỉ trọng công suất gần 13% và chiếm tỉ trọng sản lượng điện khoảng 6,06% của toàn hệ thống điện.

Vì vậy, việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sử dụng không chỉ gây lãng phí, mà còn có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm