Ngày 15/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội".
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu về ba nhóm chủ đề: Phụ nữ với phát triển kinh tế; Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; Phụ nữ và thế hệ tương lai.
Một trong những vấn đề được các đại biểu nêu trong hội nghị là việc giải pháp nào phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông nghiệp, nông thôn trong đó có phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bền vững, hiệu quả.
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, nông nghiệp luôn là trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là trong lúc khó khăn, như hiện nay khi sức ép lạm phát tăng lên.
Thời gian qua, Việt Nam đã bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối về lương thực, thực phẩm nhờ sản xuất nông nghiệp.
"Chúng ta không chỉ bảo đảm được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu được gạo và nhiều mặt hàng nông sản với tổng kim ngạch khoảng trên 40 tỷ USD trong 9 tháng qua", Thủ tướng nói.
Để phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế, chính sách ưu tiên cho chị em phụ nữ.
Hiện nay, Đảng đã có nghị quyết, Quốc hội có luật về hợp tác xã, Chính phủ, các bộ, ngành đã có quy định, hướng dẫn về phát triển hợp tác xã. Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp tục xem xét, điều chỉnh, sửa đổi các vướng mắc, các quy định chưa sát thực tế, nhất là các cơ chế chính sách để khuyến khích chị em tham gia hợp tác xã.
Thủ tướng cho rằng, có 5 vấn đề để phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bền vững, hiệu quả, gồm: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; sự hỗ trợ về vốn của các tổ chức tín dụng; hỗ trợ khoa học công nghệ; hỗ trợ thị trường. Được biết, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm.
Ngoài việc xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế, chính sách ưu tiên cho chị em phụ nữ tham gia vào nông nghiệp, Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngân hàng nghiên cứu, mở rộng đối tượng, hạn mức, thời gian ưu đãi cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, bảo đảm nguồn vốn phù hợp, để người dân nói chung và phụ nữ nói riêng không phải vay tín dụng đen, đồng thời giúp chị em sử dụng vốn hiệu quả để trả lại cho ngân hàng.
Thủ tướng cho rằng, nhiều doanh nhân nữ có đóng góp lớn cho xã hội được tôn vinh. Những mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ngày càng được nhân rộng ở các địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Việt Nam đã đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, trong đó có đóng góp quan trọng của phụ nữ.