Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt, cao nhất 53,4%

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) dự định chào bán 267,38 triệu cổ phiếu HHV cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày đăng ký cuối cùng lần lượt là 19/10 và 20/10.  

Giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Nếu cổ đông mua hết số cổ phiếu dự định phát hành, Đèo Cả có thể thu về khoảng 2.674 tỷ đồng từ đợt chào bán này, vốn điều lệ sẽ tăng gấp đôi từ 2.674 tỷ lên 5.348 tỷ.

Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 1/11 đến 25/11. Thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua từ 1/11 đến 1/12. Kết phiên gần đây nhất 14/10, giá cổ phiếu HHV dừng ở 10.950 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa trên 2.900 tỷ đồng và cao hơn 9,5% so với giá phát hành dự kiến. Biểu đồ bên dưới cho thấy, so với đầu năm 2022, HHV đã giảm 59% giá trị.

Cổ phiếu HHV giảm sâu so với đầu năm 2022.

Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post – Mã: VTP) dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 15%, tương đương 1.500 đồng/cp. Viettel Post hiện có 103,56 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi khoảng 155,3 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.

Ngoài ra, Viettel Post còn trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là 9,67 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ thực hiện 9,33%. Nhà đầu tư nắm giữ 10.000 cổ phiếu VTP tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 933 cổ phiếu mới.

Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Viettel Post sẽ tăng từ gần 1.036 tỷ đồng hiện nay lên 1.132 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đang nắm giữ 60,8% vốn điều lệ của Viettel Post.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Mã: NAB) có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 18,7364% và phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10,2075%. Ngày GDKHQ của cả hai đợt phát hành đều là 19/10.

Nam Á hiện nay có vốn điều lệ 6.564 tỷ đồng. Sau khi trả cổ tức và phát hành thêm, vốn điều lệ sẽ tăng lên thành 8.464 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 23%, tương đương 2.300 đồng/cp.

Ngoài ra, Minh Phú sẽ phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu MPC sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu.

Tập đoàn của Chủ tịch HĐQT Chu Thị Bình hiện có xấp xỉ 200 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi khoảng 460 tỷ đồng tiền mặt và phát hành 200 triệu cổ phiếu để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông. Ngày GDKHQ là 20/10.

Vợ chồng Chủ tịch Chu Thị Bình và Tổng Giám đốc Lê Văn Quang đang nắm giữ tổng cộng hơn 67 triệu cổ phiếu MPC nên sẽ được nhận gần 155 tỷ đồng tiền mặt và 67 triệu cổ phiếu mới.

Một doanh nghiệp thủy sản khác cũng sắp chốt quyền cổ tức là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC). Tập đoàn của Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh dự kiến tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% mệnh giá, tương đương 2.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 20/10 và 28/10.

Tổng số cổ phiếu VHC đang lưu hành là 183,4 triệu đơn vị nên Vĩnh Hoàn sẽ cần chi gần 367 tỷ đồng trong đợt cổ tức tới.

Hôm 11/10 mới đây, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã trở thành cổ đông lớn của Vĩnh Hoàn với tỷ lệ sở hữu 5,0611%, tương đương sở hữu 9,28 triệu cổ phiếu VHC. Biểu đồ dưới đây cho thấy Vĩnh Hoàn và Minh Phú là hai doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong ngành thủy sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vĩnh Hoàn và Minh Phú là hai doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong ngành thủy sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

CTCP Xây dựng Công nghiệp (Mã: ICC) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 53,4%, tức là nhà đầu tư sở hữu một cổ phiếu ICC tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 5.340 đồng. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 24/10 và 11/11.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm