Ngày 7/7, Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 tiếp tục diễn ra với Phiên họp cấp cao về chủ đề "Môi trường, COP30 và Y tế toàn cầu" dưới sự chủ trì của Tổng thống Brazil Lula da Silva, Chủ tịch BRICS năm 2025, theo Báo Chính phủ.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ủng hộ và đánh giá cao nước chủ nhà Brazil lựa chọn bảo vệ môi trường và y tế toàn cầu, những vấn đề có ý nghĩa sống còn với hành tinh, là ưu tiên của Hội nghị BRICS mở rộng năm nay.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh những gì thế giới trải qua sau đại dịch COVID-19, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số cho thấy thế giới chưa thực sự sẵn sàng, các thể chế đa phương chưa đủ gắn kết và hợp tác đủ mạnh để cùng vượt qua khủng hoảng.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cho rằng lựa chọn đặt ra là cần thay đổi tư duy, đổi mới nhận thức và khẩn trương hành động với tinh thần "cùng đi, cùng đến, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).
Nêu 5 đề xuất tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thứ nhất, thúc đẩy hình thành nhận thức chung, cách tiếp cận chung mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện để bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.
Thứ hai, phải bảo đảm nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, công bằng, công lý trong giải quyết các thách thức về môi trường và y tế, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, trình độ phát triển và nguồn lực của mỗi quốc gia; kêu gọi các quốc gia phát triển có trách nhiệm thực hiện các cam kết về tài chính, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ ba, nỗ lực huy động các nguồn lực đầy đủ và bền vững để hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu và y tế. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam ủng hộ các ưu tiên của Hội nghị COP30 do Brazil đề xuất, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết đạt kết quả đột phá về tài chính khí hậu tại Hội nghị COP30, khuyến khích các cơ chế tài chính xanh, sáng tạo và sự tham gia mạnh mẽ hơn từ khu vực tư nhân.
Thứ tư, phát huy tối đa vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số để bảo vệ môi trường, phát triển y tế. Các nước cần đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghệ xanh, hạ tầng số, chia sẻ tri thức, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.
Thứ năm, thúc đẩy cải cách thực chất, hiệu quả thể chế quản trị toàn cầu về môi trường, khí hậu, y tế, đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, hợp tác đa phương, tăng cường sự tham gia thực chất, hiệu quả của các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực, để bảo đảm các cam kết toàn cầu về khí hậu, y tế được thực thi một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh là nền tảng của mọi chính sách phát triển đất nước.
"Đây không chỉ là lựa chọn tự nhiên, là yêu cầu khách quan mà còn là mệnh lệnh của thời đại", Thủ tướng khẳng định quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đồng thời, đóng góp tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác toàn cầu về môi trường, khí hậu và y tế.