Doanh nghiệp

Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Ba Lan tăng đầu tư tại Việt Nam

Thông điệp trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan tổ chức tại thủ đô Warsaw chiều 17/1 (giờ địa phương). Sự kiện đã thu hút đông đảo doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu mở đầu, ông Krzysztof Paszyk, Bộ trưởng Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan cho biết có hai lý do để tổ chức sự kiện này là nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và 2025 là dịp kỷ niệm 75 năm Việt Nam - Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao.

"Các cuộc gặp của Thủ tướng Việt Nam với những nhà lãnh đạo cấp cao nhất Ba Lan hai ngày qua đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy mạnh hơn hợp tác kinh tế, thương mại", ông Paszyk chia sẻ.

Ông Krzysztof Paszyk phát biểu tại diễn đàn được tổ chức tại trụ sở Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan hôm 17/1. Ảnh: Anh Tú

Ông Krzysztof Paszyk phát biểu tại diễn đàn được tổ chức tại trụ sở Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan hôm 17/1. Ảnh: Anh Tú

Theo Bộ trưởng này, Việt Nam là đối tác lớn nhất của Ba Lan tại khu vực ASEAN. "Ba Lan cần đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, không chỉ các sản phẩm công nghiệp mà còn cả nông nghiệp. Ba Lan có thể cung cấp mọi sản phẩm nông nghiệp mà Việt Nam có nhu cầu", Bộ trưởng Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan nói.

Bên cạnh thương mại, theo ông Paszyk, đầu tư cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại, mức đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước còn khiêm tốn. Bởi vậy, Bộ trưởng Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan cho rằng tiềm năng hợp tác đầu tư Việt Nam - Ba Lan còn rất lớn.

Về đầu tư, luỹ kế tới hết tháng 12/2024, Ba Lan có 33 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 500 triệu USD. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp người Ba Lan gốc Việt ước tính đã đầu tư hơn 300 triệu USD tại quốc gia này.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Paszyk, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng quan hệ kinh tế đầu tư Việt Nam và Ba Lan chưa tương xứng với quan hệ chính trị, tình cảm hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. Ông cũng nhận định dư địa hợp tác đầu tư Việt Nam - Ba Lan còn lớn. "Việc này có một phần trách nhiệm của nhà lãnh đạo hai nước", Thủ tướng nói và cũng khẳng định đang tìm cách khắc phục nhanh nhất có thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan tại thủ đô Warsaw ngày 17/1. Ảnh: Anh Tú

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan tại thủ đô Warsaw ngày 17/1. Ảnh: Anh Tú

Theo ông Phạm Minh Chính, Chính phủ Việt Nam - Ba Lan có trách nhiệm thiết lập cơ chế chính sách, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Về phần mình, Việt Nam sẽ tạo ra môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam hiện cũng xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, sức khoẻ, phát triển bền vững... Cùng với đó, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Bởi vậy, Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, hợp tác hiệu quả hơn nữa, trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Ông kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan hãy tăng cường đầu tư tại Việt Nam để đôi bên cùng hưởng lợi.

Còn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng hai nền kinh tế mới như Việt Nam và Ba Lan cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và chuyển đổi năng lượng để cùng ứng phó, nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại diễn đàn hôm 17/1. Ảnh: Anh Tú

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại diễn đàn hôm 17/1. Ảnh: Anh Tú

"Việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương giữa hai khối ASEAN và EU sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Ba Lan", ông Diên chia sẻ.

Bộ trưởng Công Thương nói tại cuộc họp hôm 16/1 với Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan, ông Paszyk đã chia sẻ một tin vui là Ba Lan bắt đầu thủ tục phê chuẩn nội bộ Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA).

Theo ông Diên, hiệp định quan trọng này được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ba Lan, cũng như EU tăng cường mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ông cũng gợi mở các lĩnh vực Việt Nam đang đẩy mạnh, chú trọng như bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán mây hay về hạ tầng như đường bộ, đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm, sân bay, cảng biển, trung tâm tài chính quốc tế. Đây cũng là những lĩnh vực mà Ba Lan có lợi thế với bề dày kinh nghiệm và công nghệ hiện đại.

Bộ trưởng Công Thương cũng mong Chính phủ cùng các cơ quan chức năng của Ba Lan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Qua đó, Ba Lan có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty Việt Nam muốn mở rộng hơn vào thị trường châu Âu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang thăm chính thức Ba Lan theo lời mời của Thủ tướng Donald Tusk từ ngày 16 đến 18/1. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam đến Ba Lan sau 15 năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm