Doanh nghiệp

Đặc sản miền Tây nhộn nhịp chợ online

Món ngon miền Tây nhộn nhịp chợ online - Ảnh 1.

Nhờ làm mới tiểu cảnh, đầu tư máy móc nên mỗi phiên live của KOL có hàng ngàn sản phẩm được bán ra cho các chủ thể - Ảnh: THANH HUYỀN

Nhiều nông dân và KOL đã chuyển mình, tận dụng công nghệ livestream để quảng bá sản phẩm, đưa hình ảnh đặc sản vùng miền đi xa hơn.

Không còn cảnh chen lấn ở chợ Tết, người tiêu dùng giờ đây có thể ngồi tại nhà, dễ dàng chọn lựa đặc sản với giá cả hợp lý và giao hàng tận nơi, mở ra một xu hướng mua sắm hiện đại, tiện lợi nhưng vẫn đậm đà hương vị truyền thống.

Tiếp cận khách hàng "một chạm"

Ngày càng nhiều nông dân trực tiếp sản xuất các mặt hàng đặc sản đầu tư vào công nghệ, cải thiện không gian bán hàng và sử dụng mạng xã hội để tổ chức livestream, nhằm giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh chóng hơn. Đây là minh chứng cho sự chuyển mình của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế.

Chị Bùi Thúy Liễu, sống tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), chia sẻ rằng không khí Tết năm nay đã khác biệt so với những năm trước. Nếu như trước đây, gần Tết mọi người thường rủ nhau đi chợ mua sắm thì năm nay, việc mua sắm chủ yếu diễn ra trực tuyến.

"Nhà tôi đã chuẩn bị đủ đồ Tết, từ quần áo, giày dép đến đặc sản. Cận Tết, tôi chỉ cần lên mạng mua thêm ít rau củ quả qua các phiên livestream. Chỉ với một chạm tay, hàng đã được giao tận nhà, tiện lợi mà không cần chen lấn ở chợ", chị Liễu nói.

Nắm bắt xu thế mới, nhiều KOL cũng đẩy mạnh việc bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội. Anh Tạ Công Bằng, người sở hữu kênh TikTok hơn 5 triệu người theo dõi, thường xuyên tổ chức các phiên livestream bán đặc sản bánh phồng tôm Tacoba Food. 

Anh chia sẻ chỉ trong một lần livestream, có thể chốt đơn từ 500kg đến 3 tấn hàng.

Bên cạnh việc kinh doanh cá nhân, Tạ Công Bằng còn hỗ trợ các tỉnh miền Tây quảng bá sản phẩm qua các dự án cộng đồng. Với hơn 10 phiên livestream thực hiện cho các tỉnh thành như An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, anh đã thu hút trên 200.000 lượt xem mỗi phiên, giúp bán hàng ngàn sản phẩm và mang về doanh thu hàng tỉ đồng.

Theo anh Bằng, người trẻ hiện nay thường tìm kiếm các mặt hàng Tết trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu đặc tính và giá cả sản phẩm một cách trực tiếp.

"Chỉ cần một chạm tay, sản phẩm đã nằm trong giỏ hàng và được giao tận nhà. Giá cả lại cạnh tranh, đôi khi rẻ hơn so với hàng mua tại chợ truyền thống do không bị trung gian đội giá", anh chia sẻ.

Câu chuyện thành công này cho thấy sức mạnh của công nghệ trong việc đưa đặc sản vùng miền đến gần hơn với khách hàng, tạo nên một thị trường "một chạm" ngày càng sôi động.

Món ngon miền Tây nhộn nhịp chợ online - Ảnh 2.

Tạ Công Bằng (bìa trái) livestream bán đặc sản miền Tây qua kênh TikTok với hơn 5 triệu lượt theo dõi - Ảnh: THANH HUYỀN

Mua bán nhanh gọn

Anh Nguyễn Minh Thái, nông dân huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết cơ sở của anh chuyên sản xuất mắm cá mào gà đạt chuẩn OCOP 3 sao. Tuy nhiên, do vị trí địa lý xa xôi, việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng gặp nhiều khó khăn. Năm nay, anh quyết định sử dụng TikTok để livestream bán hàng trong những ngày cận Tết.

"Ban đầu, lượng khách chưa nhiều, nhưng kiên trì livestream đã giúp tôi dần có khách quen và họ còn giới thiệu thêm người mua. Hiện mỗi phiên livestream, tôi bán được vài chục sản phẩm. Khách hàng mua trực tiếp qua live thường nhận được giá sỉ, còn tôi cũng bán được nhiều hơn, hạn chế qua trung gian", anh Thái chia sẻ.

Tương tự, chị Quách Ái, chủ kênh TikTok "Quách Ái Miền Tây" với hơn 269.000 lượt theo dõi, ban đầu chỉ "thử sức" khi thấy nhiều người livestream bán hàng. Chị tập trung vào các sản phẩm đặc sản quê nhà như chuối khô, mứt dừa, cá, mực khô. 

"Nhờ được đông đảo người ủng hộ, tôi đầu tư thêm vào tiểu cảnh, quay video chế biến món ăn. Hiện mỗi tháng, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng", chị Ái tự hào.

Những TikToker, YouTuber và Facebooker là nông dân hoặc KOL "tay ngang" đang biến mạng xã hội thành một chợ Tết trực tuyến đa dạng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh gọn mà còn quảng bá mạnh mẽ các sản vật miền Tây, đưa nét đặc trưng của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng khắp nơi.

234 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Ông Phạm Thanh Hoài, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, cho biết năm 2024, tỉnh có 4.700 hộ nông dân sở hữu tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đã có 159 gian hàng với 234 sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương được đưa lên sàn thương mại nông sản điện tử B2B Felix.store nhằm kết nối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ngoài ra, nhiều nông dân còn mở rộng bán hàng qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok. Ông Hoài nhận định dù hiệu quả bán hàng trên sàn thương mại điện tử chưa thể đánh giá toàn diện, nhưng bước đầu đã giúp quảng bá rộng rãi hình ảnh nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương đến với nhiều khách hàng.

Cá thát lát xuất khẩu

Bà Nguyễn Kim Thùy, giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cho biết hợp tác xã đang chế biến cá thát lát theo quy trình sạch, an toàn để xuất khẩu. Gần đây hợp tác xã đã xuất 20 tấn thịt cá thát lát sang thị trường Mỹ và Hàn Quốc.

Các sản phẩm chủ lực như cá thát lát rút xương tẩm vị, cá thát lát tẩm sả ớt, bánh phồng cá thát lát, chả cá thát lát gia vị... hiện có mặt tại nhiều siêu thị lớn và kênh phân phối trong nước. Ngoài ra hợp tác xã còn đẩy mạnh bán hàng qua website và Facebook, giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn, tăng tốc độ mua bán.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm