Thời sự

Thủ tướng đồng ý bổ sung 1 sân bay tại Tây Nguyên vào quy hoạch cảng hàng không

Thủ tướng đồng ý bổ sung 1 sân bay tại Tây Nguyên vào quy hoạch cảng hàng không - Ảnh 1.

Những năm qua, lượng du khách đến Thị trấn Măng Đen ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không theo đề xuất của tỉnh này.

Trước đó, vào tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Chi phí đầu tư sân bay 4.000 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư PPP.

Sân bay Măng Đen dự kiến có quy mô cấp 4E (có thể đón được các loại máy bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350), diện tích đất khoảng 350 ha, công suất thiết kế từ 3 đến 5 triệu hành khách mỗi năm, đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Sân bay dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2027.

Thủ tướng đồng ý bổ sung 1 sân bay tại Tây Nguyên vào quy hoạch cảng hàng không - Ảnh 2.

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, ngày 20/8. Ảnh: VGP-Nhật Bắc

Thị trấn Măng Đen cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60 km, ở độ cao 1.200 m. Lãnh đạo tỉnh đánh giá thị trấn có vị trí thuận lợi, quỹ đất sạch rộng, bằng phẳng, gần quốc lộ 24.

Việc xây dựng cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ công tác quốc phòng an ninh tại địa phương. Đây sẽ là dự án tạo động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước đó, ngày, 14/7, Bộ Giao thông Vận tải công bố Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc với 30 cảng đến năm 2030 và hình thành 33 cảng đến năm 2050.

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảng hàng không theo mô hình trục nan với hai đầu mối vận tải chính tại Hà Nội và TP HCM.


Thời kỳ 2021-2030, cả nước hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng quốc tế là Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 cảng quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.


Tầm nhìn đến năm 2050 cả nước có 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng quốc tế đã có, trong đó sân bay quốc tế Hải Phòng thay thế Cát Bi; 19 cảng quốc nội, có thêm sân bay Cao Bằng, Cát Bi, Nam Hà Nội.


Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc được Chính phủ phê duyệt có tính mở cao, cho phép đề xuất danh mục cảng hàng không tiềm năng để nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Thủ tướng xem xét bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện.


Danh sách đề xuất theo quy hoạch hiện nay có 12 sân bay gồm: Hà Giang (tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang); Yên Bái (phường Nam Cường, TP Yên Bái); Tuyên Quang (xã Năng Khả, huyện Na Hang); sân bay quân sự Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội); Bắc Ninh (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình); Hà Tĩnh (xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên); Kon Tum (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) ; Quảng Ngãi (xã An Hải, huyện Lý Sơn); Bình Thuận (xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý); Khánh Hòa (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh); Đăk Nông (xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong) và Tây Ninh (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm