Thời sự

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản giảm lãi suất cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Chiều 18/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cố vấn đặc biệt Nội các phụ trách hỗ trợ đầu tư, kinh doanh nước ngoài, triển khai Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng "0" (AZEC) của Chính phủ Nhật Bản.

Đề nghị JBIC tái cấu trúc khoản vay 

Thủ tướng đề nghị JBIC với vai trò là một bên cho vay chính tiếp tục tích cực tham gia tái cấu trúc dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhất là tái cấu trúc khoản vay cho dự án vay với lãi suất thấp hơn (trả trước các khoản nợ với lãi suất cao) nhằm tiết giảm chi phí tài chính, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án (hiện vẫn đang lỗ), trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị JBIC. (Ảnh: VGP).

Trong chuyến công tác tại Nhật lần này, Thủ tướng đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhất trí thành lập nhóm điều phối chung giữa hai Chính phủ để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả của một số dự án kinh tế đang triển khai giữa hai nước, trong đó có dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn. Thủ tướng cũng đồng thời gặp lãnh đạo Tập đoàn Idemitsu là bên tham gia đầu tư dự án, với quan điểm cần tiến hành tái cấu trúc tổng thể dự án (về nguồn vốn - lãi suất, quản trị - nhân sự và các yếu tố đầu vào như dầu thô, sử dụng điện…).

Chia sẻ với Thủ tướng một số quan điểm trong giảm phát thải, Chủ tịch JBIC cho biết Việt Nam là đối tác đầu tiên mà Nhật Bản hỗ trợ trong Sáng kiến AZEC và các đối tác quốc tế chủ chốt rất ủng hộ hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam; khẳng định sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Cho rằng Thủ tướng đã dành quan tâm đặc biệt với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, Chủ tịch JBIC cho biết ngân hàng này và cá nhân ông coi đây là công việc quan trọng, sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, thúc đẩy các bên liên quan, trong đó có Công ty Bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư Nippon (NEXI) trong việc đàm phán để tiến hành tái cấu trúc, giải quyết các vấn đề liên quan dự án, tìm phương án tốt nhất cho phía Việt Nam.

Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ Sumitomo

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Masayuki Hyodo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo. (Ảnh: VGP).

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Masayuki Hyodo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo.

Sumitomo (1919) là tập đoàn đa ngành, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng, thành phố thông minh, sản xuất linh kiện điện tử, tài chính. Lợi nhuận của Tập đoàn năm 2019 đạt hơn 220 tỷ yen (tương đương 1,5 tỷ USD) với hơn 70.000 nhân viên trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Sumitomo tham gia liên doanh đầu tư khu đô thị thông minh phía Bắc Hà Nội (4,13 tỷ USD), đầu tư các khu công nghiệp Thăng Long 1 (Hà Nội), 2 (Hưng Yên) và 3 (Vĩnh Phúc); tham gia thi công EPC dự án đường sắt trong đô thị số 1 tại TPHCM - gói thầu số 2; dự án nhiệt điện BOT Vân Phong I, công suất 1.320 MW (2,58 tỷ USD).

Tại cuộc tiếp, lãnh đạo tập đoàn báo cáo tình hình triển khai các dự án tại Việt Nam, cập nhật kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh; thông báo sẽ tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại các dự án. 

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc và đề nghị Tập đoàn làm việc cụ thể với các cơ quan liên quan để thực hiện theo quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng quy định về mua bán điện trực tiếp, điện mặt trời áp mái, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án điện, năng lượng tái tạo.

Chính phủ sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Sumitomo nói riêng triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả và bền vững tại Việt Nam, theo hướng công khai, minh bạch, giảm thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm